Năm 2014, các nhà khoa học đã đạt được thành công bước đầu trong việc phát triển máy tạo nhịp tim sinh học - sử dụng chính những tế bào của cơ tim để tạo nhịp, mở ra hy vọng mới cho người bệnh rối loạn nhịp tim.
Rối loạn nhịp tim là một trong số những biểu hiện thường gặp nhất của bệnh tim mạch. Nó có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng bơm máu của tim đi khắp cơ thể và gây ra các triệu chứng như trống ngực, mệt mỏi, khó thở, chóng mặt, ngất, thậm chí tử vong.
Năm 1959, sự ra đời của máy điều chỉnh nhịp tim điện tử đã có một ý nghĩa rất lớn đối với người bệnh rối loạn nhịp tim, nhưng nó vẫn còn những hạn chế nhất định. Bởi giống như tất cả các loại thiết bị điện tử khác, nó cũng có thể xảy ra trục trặc. Trong một số ít trường hợp, người bệnh có thể gặp phải những nhiễm trùng liên quan đến máy tạo nhịp tim. Nhiễm trùng trong những trường hợp này đặc biệt rất khó chữa trị, vì người bệnh sẽ không chỉ phải sử dụng thuốc kháng sinh, mà còn cần được nhập viện để loại bỏ máy tạo nhịp.
Bên cạnh đó, máy tạo nhịp tim điện tử cũng không phải là một giải pháp lý tưởng cho trẻ sơ sinh và trẻ em. Bởi chúng phát triển rất nhanh và các tổ chức cũng sẽ lớn dần, khi đó cần phải thực hiện thêm nhiều ca phẫu thuật để thay thế các thiết bị.
Từ những hạn chế này, các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu để phát triển một máy tạo nhịp tim theo cách tự nhiên nhất, bằng cách sử dụng chính những tế bào của cơ tim để tạo nhịp.
Phát triển máy tạo nhịp sinh học giúp điều trị rối loạn nhịp tim
Tháng 7 năm 2014, các nhà khoa học thuộc Viện Tim mạch Cedars-Sinai (Mỹ) đã công bố thành công bước đầu, hứa hẹn đưa máy tạo nhịp tim sinh học đến gần hơn với thực tế.
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm tiêm trực tiếp gen TBX18 vào các tế bào cơ tim trong khu vực tâm thất của những chú lợn có bệnh rối loạn nhịp chậm. Sau 2 ngày, kết quả cho thấy, nhịp tim của những chú lợn này đã nhanh và ổn định hơn so với những chú lợn không được sử dụng liệu pháp.
TBX18 được biết đến là một yếu tố phiên mã, giúp biến đổi tế bào gốc thành những tế bào tạo nhịp tim trong phôi thai của động vật có xương sống. Khi được tiêm vào cơ tim, nó có thể biến đổi tế bào cơ tim thành các tế bào có tác dụng tạo nhịp. Các tế bào này có đặc điểm, tính năng và hoạt động tương tự như tế bào tạo nhịp tự nhiên.
Ông Eduardo Marban, trưởng nhóm nghiên cứu, đồng thời cũng là Viện trưởng viện Tim mạch Cedars-Sinaicho biết, đây là lần đầu tiên liệu pháp gen được thí nghiệm thành công trên động vật để điều trị bệnh tim mạch.
Các nhà khoa học sẽ tiếp tục nghiên cứu thử nghiệm liệu pháp này đối với con người trong 2-3 năm tới. Nếu thành công, chúng có thể sớm thay thế các thiết bị trợ tim đắt tiền và mở ra hy vọng cho khoảng 2% bệnh nhân hiện đang lệ thuộc vào máy trợ tim hiện nay.
Nguồn tham khảo:
http://www.the-scientist.com/
http://en.wikipedia.org/