Cùng lúc hẹp, hở van 2 lá, 3 lá, kèm bệnh tim mạch khác - điều trị như thế nào? (phần 2 )

A- A+

Điều trị hẹp hở van tim nhằm làm giảm các triệu chứng khó thở, mệt mỏi, đau tức ngực, trống ngực, hồi hộp, đồng thời làm chậm tiến triển của bệnh và chống lại suy tim do hở van. Nhưng với những bệnh van tim phức tạp hay hẹp hở van thứ phát do mắc các bệnh tim mạch như tăng huyết áp, bệnh động mạch vành, nhồi máu cơ tim... có nên phẫu thuật thay van hay không?

Tất cả những vấn đề liên quan đến NÊN hay KHÔNG NÊN PHẪU THUẬT; loại van tim nào tốt nhất, hay thời điểm nào thay van thích hợp, được Gs. Phạm Gia Khải - nguyên Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, giải đáp trong chương trình Giao lưu trực tuyến “Hẹp hở van tim – điều trị thế nào là tốt nhất” – Phần 2.

Gs. Phạm Gia Khải - nguyên Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam

Mổ thay van tim, nên lựa chọn loại van nào tốt?

Câu hỏi từ bạn Lê Văn Đức: Bác em 62 tuổi, bị hở van tim 2 lá 3/4 và hở van động mạch chủ 2/4, bác hay bị mệt và khó thở, thì có cần phẫu thuật ngay không? Nếu phải thay van tim thì thay loại nào?

Gs. Phạm Gia Khải cho biết:

Nếu mà điều trị nội khoa mà không hiệu quả, thì nên chụp thêm động mạch vành, đồng thời đánh giá xem mức độ hở van động mạch chủ, van 2 lá ra sao sau đó mới quyết định có thay van hay không.

Nếu có thay van thì với người già trên 60 tuổi thì dùng van sinh học sẽ phù hợp hơn. Van sinh học tuổi thọ thấp hơn van kim loại, nhưng chi phí rẻ hơn và không phải dùng thuốc chống đông suốt đời, thường chỉ cần dùng thuốc chống kết tập tiểu cầu khoảng 3 tháng. Tuy nhiên nếu đã có rung nhĩ, có loạn nhịp tim thì kể cả thay van loại gì cũng vẫn phải dùng thuốc chống đông lâu dài.

Câu hỏi từ bạn Đức Long: Em gái em năm nay 21 tuổi. Bác sĩ kết quả là bị hở van tim 2 lá và 3 lá mức độ 4/4, suy tim, chức năng gan yếu. Bác sĩ bảo phải thay van, xin giáo sư tư vấn em gái em nên thay loại van nào?

Gs. Phạm Gia Khải:

Hở 4/4 là mức độ rất nặng, cần phải thay van tim. Tuy nhiên, nếu phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ thì lại phải rất cân nhắc. Thay van ở người trẻ thì thường dùng van cơ học (van bằng kim loại), vì van cơ học bền, có tuổi thọ cao. Tuy nhiên, nhược điểm của van cơ học là phải dùng thuốc chống đông suốt đời. Vì vậy, khi đã thay van thì phụ nữ không nên sinh đẻ nữa, sẽ nguy hiểm cho cả mẹ và con. Do đó rất hạn chế vấn đề phẫu thuật cho phụ nữ mà ở độ tuổi sinh đẻ, nên cố gắng điều trị nội khoa trước đã, nếu nội khoa không hiệu quả mới cần phẫu thuật.

Những lưu ý trong điều trị, ăn uống sau phẫu thuật van tim?

Câu hỏi từ bạn Vũ Văn Thái: Em mổ van tim cách đây 7 tháng rồi, em hở van 2 láhẹp động mạch chủ. Em nghĩ mổ xong là khỏi không còn triệu chứng nào khác, nhưng em vẫn thấy mệt khi đi bộ khoảng 500m đổ lại, thở dồn khi lên dốc, và tim vẫn còn hồi hộp nhiều, đôi khi cảm giác bị loạn nhịp nữa ạ. Em vẫn tái khám định kỳ và uống thuốc đều. Bác sĩ cho em hỏi bệnh của em như vậy là thế nào? Có phải mổ lại không? Bây giờ em nên có chế độ ăn uống, sinh hoạt và luyện tập thế nào là tốt nhất ạ? Xin cho em lời khuyên.

Gs. Phạm Gia Khải:

Phẫu thuật không có nghĩa là đã chữa khỏi được bệnh van tim, mà chỉ giúp van bớt hở hoặc hẹp. Trường hợp của bạn có thể vẫn còn hẹp động mạch chủ nhẹ, nên vẫn có khó tở, mệt mỏi…

Nếu kết quả mổ tốt, thì chỉ giúp chuyển một tình trạng bệnh nặng thành nhẹ hơn thôi, nên bạn vẫn phải dùng thuốc điều trị suy tim, điều trị loạn nhịp để giảm bớt các triệu chứng của bệnh.

Nếu kết quả mổ không tốt, cần kiểm tra lại, phải dựa trên kết quả thăm khám lâm sàng, siêu âm tim, mới quyết định được có phải mổ lại hay không?

Về chế độ ăn uống sau mổ, nên ăn giảm muối, giảm chất béo từ động vật và ăn nhiều rau xanh trong các bữa ăn. Nên ăn thịt trắng (cá, gà bỏ da), hạn chế thịt màu đỏ (thịt lợn, thịt bò), không ăn nội tạng động vật. Nên chú ý hạn chế ăn các loại rau họ cải như cải bó xôi, ăn bắp cải, súp lơ… vì chúng chứa nhiều vitamin K, dễ gây đông máu, làm giảm tác dụng của thuốc chống đông kháng vitamin K (thường dùng sau phẫu thuật van tim). Về tập luyện, nên tập thể dục nhẹ nhàng, vừa sức hàng ngày chẳng hạn như đi bộ, nhưng cần tránh các hoạt động gắng sức.

Hở van tim kèm cao huyết áp điều trị như thế nào?

Câu hỏi từ bạn Tịnh Mai: Tôi đã khám ở viện tim TP.HCM, bị tăng huyết áp, hở van 2 lá trung bình, hở van động mạch chủ và van 3 lá nhẹ, đã điều trị 4 tháng uống từ 6 loại thuốc giảm xuống còn 3 loại. Sau đó chuyển về tỉnh điều trị đến nay giờ chỉ uống 2 loại thuốc huyết áp. Mấy tháng nay sức khỏe cũng bình thường nhưng có lúc cảm thấy như bị nghẹn ở cổ, sau đó thì hết. Như vậy có phải do ảnh hưởng của bệnh tim hay do nguyên nhân gì gây ra. Xin Gs tư vấn để chữa trị. Với bệnh hở van tim 2 lá, 3 lá, động mạch chủ, cao huyết áp như của tôi, làm thế nào để bệnh không tiến triển?

Gs. Phạm Gia Khải:

Bác vừa bị van tim vừa bị bệnh tăng huyết áp, thì cần phải điều trị song song 2 thứ cùng lúc, nhưng cũng đừng nên sợ hãi gì vì 2 thứ một lúc thực ra cũng không thành vấn đề lớn lắm. Trước tiên, cần phải dùng thuốc giảm áp, mà dùng loại nào phù hợp với cơ thể, bệnh nhân không bị mệt, không tụt áp nhiều và không bị tăng huyết áp trở lại là phù hợp. Sau đó phải dùng lợi tiểu kết hợp thuốc tăng huyết áp, nếu dùng thuốc đó mà thấy bớt khó chịu, thì bệnh nhân tiếp tục duy trì.

Nhưng nếu thấy chưa khá lên thì xem bệnh van tim có làm sao không, lúc đó mới đặt vấn đề cần xem phẫu thuật, cần điều trị ổn định huyết áp thì mới được phẫu thuật. Nếu huyết áp vẫn còn cao thì phẫu thuật không tốt. Huyết áp thế nào là ổn định? Huyết áp dưới 160/90 mmHg, vì dụ 140/80 hoặc 130/80 mmHg thì là được rồi.

Câu hỏi từ bạn Tuấn Hồ: Tôi đi khám ở bệnh viện tim Tp. HCM. Bác sỹ chuẩn đoán hẹp van động mạch chủ, hở van động mạch chủ 2/4, suy tim độ 2. Bác sỹ nói phải mổ nhưng tôi thấy sức khỏe vẫn bình thường, hơi đau ngực, lâu lâu có hồi hộp. Ngày 10/8 vừa rồi tái khám thì huyết áp là 150 mmHg. Xin giáo sư tư vấn dùm, tôi uống thuốc điều trị không muốn mổ có được không? Và nếu mổ thì mổ bằng cách nào có thay van tim không? Chi phí khoảng bao nhiêu?

Gs. Phạm Gia Khải:

Huyết áp tâm thu 150mmHg là ở mức hơi cao, nếu bệnh nhân trên 60 tuổi thì vấn đề mổ cũng cần xem lại có nên không. Ở người trên 60 tuổi, nếu mà bệnh có khó thở khi gắng sức, ngoài thăm dò về tim, về xương, cần phải thăm dò xem có bị động mạch vành không. Nếu động mạch vành có vấn đề thì nhất thiết cần phải giải quyết, chúng ta có thể điều trị nong van hoặc điều trị ngoại khoa bằng cầu nối chủ vành nếu như có chỉ định.

Trong trường hợp làm cầu nối động mạch vành thì bạn nên làm luôn van động mạch chủ. Có cần thay van động mạch chủ không thì cần phải xem lại, vì nếu thay van động mạch chủ thì phải dùng thuốc chống đông suốt đời. Nếu bệnh nhân chịu được vấn đề này, và kiểm soát tốt được huyết áp thì có thể phẫu thuật. Tuy nhiên nếu vẫn duy trì điều trị nội khoa được thì vẫn là tốt nhất. Nhưng dù sao thì cũng cần phải chụp mạch vành.

Về thay van, công phẫu thuật thì không nhiều lắm, nhưng chi phí van hơi cao. Van nhân tạo đắt ít nhất là 1000 đô la, tức là khoảng 22 triệu đồng. Nếu bạn đã 60 tuổi thì có thể thay van sinh học thì sẽ rẻ hơn, nhưng tuổi thọ ít hơn, và chỉ cần dùng thuốc chống đông vài tháng.

Câu hỏi từ bạn Đinh Hoành, 58 tuổi: Tôi hở van 3 là 3/4; hẹp động mạch chủ, huyết áp hiện cũng không ổn định. Điều trị viện tim Sài gòn; 1 tháng tái khám 1 lần, điều trị đúng 1 năm bệnh không khỏi, đêm về không thở được. Sau đó tôi uống thêm Ích Tâm Khang thấy khỏe hơn. Xin bác sĩ tư vấn giúp tôi làm thế nào để chữa khỏi bệnh, vì bác sĩ ở Sài gòn bảo tôi sống chung với lũ.

Gs. Phạm Gia Khải:

Tôi đồng ý sống chung với lũ, nhưng cần có “thuyền” hẳn hoi chứ không thì “chết đuối”, cho nên vẫn phải dùng thuốc. Huyết áp của bạn không ổn định thì phải chữa nó cho ổn định, vì vậy cần dùng thuốc hạ áp. Bạn dùng Ích Tâm Khang tôi đồng ý. Chắn hẳn mức độ hẹp van động mạch chủ của bạn không đáng kể, bởi nếu hẹp động mạch chủ nặng là phải điều trị bằng cách nong hoặc thay van mới.

Cách điều trị hở van tim, thiếu máu cơ tim?

Câu hỏi từ bạn Nguyễn Thị Mai Hương, 56 tuổi: Tôi bị hở van tim 2 là 1/4. Hở van 3 lá 1.5/4, khi bị xúc động hay làm việc vận động nhiều tim đập nhanh, mệt khó thở. Tôi phải làm thế nào xin bác sĩ giúp tôi. Tôi còn bị thiếu máu cơ tim mãn nữa ạ.

Hở van của bạn mức độ nhẹ, không đáng ngại. Bệnh cần điều trị là thiếu máu cơ tim. Tuy nhiên, thiếu máu cơ tim nguyên tắc là phải chụp động mạch vành, biết tình trạng hẹp mạch vành như thế nào mới có thể điều trị được, không thể chỉ dựa vào triệu chứng đau là điều trị. Cần xem có xơ vữa không, mức độ hẹp bao nhiêu? Sau khi có kết quả mới có thể chỉ định thuốc phù hợp. Nếu hẹp mạch vành ít, gây tức ngực phải dùng thuốc trị mạch vành như thuốc giãn mạch, thuốc giảm mỡ máu... Nếu hẹp nặng có thể cần xem xét can thiệp mạch vành.

Nếu có tim đập nhanh thì cần dùng thuốc chậm nhịp tim, nếu không có hen phế quản thì dùng chẹn beta giao cảm được, nếu có hen phế quản thì dùng procoralan 5 mg – 10mg/ ngày.

Hở van tim và tim bẩm sinh thông liên thất, điều trị như thế nào?

Câu hỏi từ bạn Thơm Phùng Phùng: Tôi năm nay 47 tuổi, bị thông liên thất đã phẫu thuật năm 2006, nhưng vẫn còn Shunt tồn lưu là 4 mm. Bây giờ lại hở van 2 lá, van 3 lá và hở van động mạch chủ, huyết áp thì 100/60. Xin bác sĩ tư vấn giúp tôi cách điều trị?

Nếu mà thông liên thất đã mổ rồi mà còn Shunt tồn lưu là 4 mm thì tôi nghĩ nên hội chẩn trường hợp của bạn. Bởi vì riêng thông liên thất của bạn có thể bít lại được bằng Coins. Coins có nghĩa là “cuộn dây” cho vào lỗ thông để bít lại, tương tự cái nút chai có bờ. Nếu sát động mạch chủ và động mạch phổi quá thì không thể làm được, còn Coin không đòi hỏi bờ rộng lắm thì có thể được.

Thứ hai là hở động mạch chủ, hở động mạch phổi và hở van 3 lá có nhiều không? Nếu hở nhiều thì mổ, hở ít thì thôi. Ví dụ nếu hở van 2 lá ¾ trở lên là hở nhiều thì mổ, còn hở từ 2/4 trở xuống thì thôi, chỉ cần điều trị nội khoa bằng thuốc.

Tôi nhắc lại là chúng ta chỉ phẫu thuật khi các biến chứng về cơ học nhiều, còn nếu ít thì không nên.

Nếu bạn thỉnh thoảng nhói ở tim thì chưa cần phải mổ lại, điều trị nội khoa đã.

Ngoài ra, bạn có thẻ dùng thêm thực phẩm chức năng cũng được, chẳng hạn như TPCN Ích Tâm Khang, không hại gì chứ chưa cần thuốc trợ tim hay thuốc lợi tiểu. Thuốc trợ tim Digoxin chỉ nên dùng khi có suy tim và rung nhĩ mới có lợi, chứ nếu không mà dùng sẽ lại không có lợi và gây ra nhiều tác dụng không mong muốn.

Xem thêm: Giảm tắc hẹp mạch vành, thiếu máu tim bằng liệu pháp tự nhiên

Hẹp, hở van tim kèm bệnh dạ dày, sử dụng thuốc chống đông như thế nào?

Câu hỏi từ bạn Hoàng Nhuận Thanh: Tôi năm nay 47 tuổi, tôi là nữ. Tôi bị hở van 2 lá nhiều, hẹp nhẹ; hở van động mạch chủ 2,5 – ¾, hở nhẹ van 3 lá, áp lực động mạch phổi tăng vừa, chức năng tâm thu thất trái bình thường. 3 năm nay tôi dùng thuốc Nitromint 2,6mg; thuốc lợi tiểu ngày 1/2 viên; huyết áp tôi thường xuyên bị thấp 90/60. BS kê cho tôi thuốc chống đông nhưng tôi bị dạ dày uống lần đầu 1/4 viên tôi đau bụng nên từ đó đến nay không dùng nữa. Tôi ở Hải Phòng, mới đây tôi đi khám BS nói tôi phải mổ thay 2 van, tôi rất sợ nên tôi chưa nghĩ đến. Xin GS tư vấn cho tôi nên điều trị thế nào?

Gs. Phạm Gia Khải:

Không phải bệnh van tim nào, dù là nặng, cũng có chỉ định mổ. Chỉ mổ khi chúng ta điều trị nội khoa bằng thuốc men với liều cao nhất (trong giới hạn cho phép) rồi mà vẫn không có kết quả, người bệnh vẫn khó thở nhiều thì mới xem xét vấn để mổ. Không rõ bạn đã được điều trị với thuốc tối ưu chưa?

Hơn nữa bạn đang được điều trị thuốc chống đông, còn kèm bệnh dạ dày thì không dùng được. Bạn đi siêu âm tim có thấy huyết khối trong buồng tim không, bạn có bị rung nhĩ không? Nếu có huyết khối trong buồng tim hoặc có rung nhĩ kèm theo thì mới nên cho thuốc chống đông. Khi dùng các thuốc chống đông thì không dùng khi có cơn đau dạ dày. Ngoài cơn đau có thể dùng được nhưng cần phối hợp thêm thuốc bảo vệ dạ dày, ví dụ như Nexium (esomeprazol) với liều 40 mg, 1 viên trước ăn sáng.

Theo kinh nghiệm của chúng tôi, các thuốc kháng vitamin K thì chỉ tốt khi bệnh nhân còn kèm rung nhĩ (loạn nhịp hoàn toàn) hoặc có cục máu đông trong buồng tim khi siêu âm thì mới chỉ định, không thì chỉ cần dùng thuốc thông thường thôi.

Trong trường hợp của bạn hoàn toàn có thể trì hoãn phẫu thuật, bởi bạn chưa được điều trị một cách tối ưu bằng thuốc. Nếu điều trị tối ưu bằng thuốc mà tốt rồi thì thôi, chưa cần phẫu thuật. Nếu mà phẫu thuật thì không nên làm gì thì tốt, chứ nếu phẫu thuật mà vẫn cần dùng thuốc rung nhĩ, thuốc chống đông thì nên xem xét kỹ.

Hẹp hở van tim có nên sinh con không?

Câu hỏi từ bạn Phan Yến, 37 tuổi: Tôi bị hẹp van 2 lá, đã nong năm 2012, kích thước sau khi nong là 1.8 cm2. Kể từ lúc nong van đến nay BS chỉ cho uống thuốc chống thấp khớp, uống đến năm 40 tuổi (đã uống được 1 năm), thỉnh thoảng có đi siêu âm lại nhưng BS bảo không có gì thay đổi, và không rung nhĩ, có thể cả đời không bị lại. Nay tôi cứ phân vân không biết sau này có bị hẹp lại không?? BS phát hiện ra bệnh hẹp van lúc tôi mang bầu cháu bé 6 tháng, tôi theo dõi đến tuần 38 thì mổ thai. Nay cháu đã được 10 tuổi nhưng tôi không muốn sinh lại. Xin giáo sư tư vấn.

Gs. Phạm Gia Khải:

Bạn may mắn vì bị thấp tim và có biến chứng van tim mà vẫn sinh được con, ngày xưa khi mà bị thấp tim và bệnh van tim rồi thì người ta gọi đó là cửa tử, vì nếu sinh con ng mẹ có thể bị chết. bây giờ chúng tôi quy định thường thường là thai nhi 20 tuần trở lên thì có thể nong van hai lá bong bóng qua da được tức là thai phụ vẫn có thể tỉnh táo, vẫn có thể đọc chuyện được, nói chuyện được mình không đau đớn gì. Ngày xưa phải rạch ngực ra và đánh thuốc mê, ngay động tác đó có thể làm thai nhi nó thể chết hoặc là đẻ ra ngớ ngẩn, nhưng mà tại sao lại là 20 tuần trở lên? Vì khi đó thai nhi ít bị ảnh hưởng vì khi làm cái đó chúng ta cần phải dùng tia X nên như thế là được rồi.

Bạn đã nong van lâu rồi, nếu vẫn tái khám định kỳ, dùng thuốc đều và sức khỏe tốt, thì đúng như bác sĩ của bạn đã nói, có thể vẫn duy trì được kết quả như vậy cả đời mà không bị hẹp lại. Còn nếu ăn uống, sinh hoạt không điều độ, không dùng thuốc đúng chỉ định, để bị nhiễm khuẩn gây viêm nội tâm mạc, thì bệnh có thể tái phát.

Còn về vấn đề sinh đẻ, theo quan điểm của tôi: Có người mẹ thì mới có người để nuôi con, không có mẹ thì không ai dạy dỗ con. Vì vậy khi có rủi ro nhiều thì nên không nên sinh tiếp. Nếu van tim không hẹp, hẹp không đáng kể, nếu không có rung nhĩ thì rủi ro ít. Nhưng nếu có rung nhĩ thì rủi ro đông máu, chúng ta nên cho thuốc Digoxin để hạn chế nhịp nhanh, nhưng người ta không dám cho thuốc kháng vitamin K vì ảnh hưởng tới thai nhi có thể gây sảy thai, hoặc gây đẻ non. Do đó cần xem có đông máu không? Có rung nhĩ không? Có phải dùng thuốc chống đông không? Nếu không có những điều đó thì có thể đẻ con được nhưng tôi vẫn hơi sợ khi bệnh nhân đã bị bệnh tim rồi thì tất nhiên khả năng gắng sức không được bằng những người khác. Cũng có những trường hợp chúng tôi phải giúp đỡ những người trở dạ đẻ mà có bệnh van tim thì chúng ta biết rằng nhịp tim quyết định cung lượng tim, nhịp tim chậm quá cung lượng tim cũng thấp, nhịp tim nhanh quá cung lượng tim cũng thấp, thì chúng ta phải đặt máy tạo nhịp sao cho nhịp tim phù hợp với công sức của người phụ nữ khi đẻ. Chúng ta cũng đã làm rồi và có kết quả tốt, nhưng rất vất vả. Do đó, tốt hơn hết là nghĩ lại có nên có con hay không.

Xem thêm: Hở van tim – Muốn sống khỏe nên hiểu về bệnh!

Kết thúc 120p chương trình giao lưu trực tuyến, rất nhiều người bệnh đã gửi lời cám ơn chân thành nhất tới Giáo sư Phạm Gia Khải. Nhờ những giải đáp của Giáo sư, quý độc giả đã có thêm nhiều kiến thức hữu ích để giúp điều trị tốt bệnh van tim và chung sống khỏe mạnh với căn bệnh này!

Bạn có thể xem lại phần 1 của chương trình giao lưu TẠI ĐÂY