ĐIỀU TRỊ HẸP HỞ VAN TIM, SAU THAY VAN TIM – TƯ VẤN BỞI GS. KHẢI

A- A+

Bệnh van tim có nguy hiểm? Khi nào cần điều trị hẹp hở van. Thay van tim bệnh có khỏi hẳn không, ăn uống như thế nào? Thay van động mạch chủ hoặc hẹp van 2 lá, hở hẹp van 3 lá, có chỉ định thay van nhưng vì nhiều lý do phải trì hoãn phẫu thuật, bệnh có nguy hiểm không? Hở van động mạch chủ kèm rối loạn nhịp tim hướng điều trị như thế nào hiệu quả nhất?

Bạn đọc sẽ tìm thấy lời giải cho tất cả các vấn đề trên thông qua nội dung tư vấn của Gs. Phạm Gia Khải - nguyên Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, ở bài viết này.

Ảnh Gs. Khải cùng MC trong buổi Giao lưu trực tuyến

Ảnh Gs. Khải cùng MC trong buổi Giao lưu trực tuyến

Bệnh van tim gây suy tim nên thay van không nên trì hoãn

Câu hỏi từ bạn Minh Thai: Tôi bị hẹp van 2 lá, hẹp hở van 3 lá, hẹp xơ vữa động mạch chủ. Hai năm trước bác sĩ ở viện tim có yêu cầu mổ thay van. Vì mổ hở ko đủ sức khỏe nên đến giờ vẩn chưa mổ. Mỗi tháng tôi có tái khám đều, có dùng thuốc Hiện nay, tôi mới đi khám lại bệnh án có ghi suy tim tôi có dùng thuốc kháng đông. Xin bác sĩ tư vấn giúp ạ

Gs. Phạm Gia Khải cho biết:

Nếu bạn hở van, chưa có điều kiện phẫu thuật, nhất là khi có rung nhĩ, phải dùng thuốc kháng đông, có thể kèm theo cả thuốc trợ tim, thuốc lợi tiểu để cầm chừng.

Lúc trước bạn không đủ sức khỏe để phẫu thuật, không rõ hiện tại đã cải thiện sức khỏe chưa? Theo tôi bạn nên thay van tim, bởi khi càng có tuổi, sức khỏe ngày càng yếu đi, nếu không thay bây giờ thì sau này khó thay được.

Vôi hóa van tim, sau thay van ăn uống, tập luyện như thế nào?

Câu hỏi từ bạn Trần Thị Hải Huyền: Thưa Giáo sư, chồng em bị vôi hóa 2 van tim phải thay và đặt bóng xung đối, sau phẫu thuật, bệnh của chồng em sẽ như thế nào và phải ăn uống tập thể dục ra sao?

Gs. Phạm Gia Khải cho biết:

Rất may mắn là anh nhà được thay van tim, đặt bóng xung đối. Đặt bóng xung đốt có nghĩa là: người ta sợ rằng trong quá trình thay van tim, tim sẽ ngưng 1 thời gian thì máu không vào được động mạch vành. Vì vậy trong quá trình đó thì người ta đưa một ống thông, 1 quả bóng vào động mạch chủ thông qua một bộ phận bóp, bộ phận đó làm căng quả bóng lên và xẹp quả bóng xuống tùy theo mức độ các sóng ghi trên điện tâm đồ của bệnh nhân. Trên điện tâm đồ sẽ có các sóng PQRST, tương ứng với sóng T trên điện tâm đồ là bắt đầu thời kỳ tâm trương  quả bóng sẽ giãn to ra để máu dồn về động mạch vành, đến thời kỳ tâm thu sóng R thì quả bóng xẹp lại, lúc này quả bóng thành 1 quả tim thứ 2 làm cho máu vào động vành nhiều hơn.

Không rõ anh mổ ở đâu, nếu ở TP HCM thì họ làm phương pháp này nhiều, ngoài bắc cũng có làm nhưng ít hơn. Sử dụng bóng đối xung (Intra - Aortic Balloon Pumpe) là một kỹ thuật tốt.

Rất may mắn là anh đã được thay van rồi, hơn nữa lại là nam giới nên không phải sinh đẻ, chứ nếu ở phụ nữ đã thay van rồi thì khó lòng có thể có thai được trừ trường hợp dùng van sinh học. Không rõ năm nay anh bao nhiêu tuổi? Thường thì những người cao tuổi thì dùng van sinh học, người trẻ tuổi hay dùng van carbon. Do ở người cao tuổi thì thời gian sống không còn nhiều nữa còn van carbon kéo dài trong vài chục năm.

Hiện anh vẫn nên có chế độ ăn uống, sinh hoạt như là một người mắc bệnh tim, tức là ăn bớt mặn và không làm việc nặng thì có thể sống rất lâu và nhớ dùng thuốc chống đông nếu thay van carbon.

Để lắng nghe chi tiết câu trả lời của Gs. Khải ở câu hỏi này bạn có thể xem tại video dưới đây:

Gs. Khải tư vấn ở trường hợp bạn Trần Thị Hải Huyền

Phẫu thuật thay van, sửa van nhưng vẫn hở, điều trị như thế nào?

Câu hỏi từ bạn Phạm Mai: Tôi 46 tuổi đã thay van tim 2 lá cơ học, và sửa van chủ được 4 năm. Cách đây gần 2 năm bị đau nhói ở ngực, đi khám ở viện E cho kết quả van chủ hở nhiều, bác sĩ hẹn ra tết lên kiểm tra lại, nhưng tôi vẫn chưa đi được. Tuy nhiên, tôi vẫn đi siêu âm tim định kỳ ở quê và van chủ vẫn hở vậy, kèm theo rung nhĩ, loạn nhịp xoang. Tôi xin hỏi Giáo sư, đau nhói ngực thường xuyên xảy ra có nguy hiểm không và hướng điều trị như thế nào?

Gs. Phạm Gia Khải cho biết:

Tình trạng bệnh của bạn nguy hiểm, hở van động mạch chủ chủ nhiều như thế, áp lực động mạch chủ vào động mạch vành sẽ ít đi, bởi hở nhiều, máu ở động mạch tụt về thất trái chứ không vào động mạch vành nữa, động mạch vành sẽ thiếu máu, mà đã có rung nhĩ rồi tức là cơ tim to. Khi đó, rung nhĩ sẽ không hết được. Bạn nên thay van động mạch chủ. Lên muộn hay lên sớm thì tùy thuộc vào khả năng của mình thôi. Kinh nghiệm của người phẫu thuật viên hở van động mạch chủ quan trọng là EF (phân suất tống máu), Đường kính thất trái có thể to nhưng EF là cái quan trọng, nếu thấp quá dưới 30 % là nguy hiểm. Tôi khuyên là nên thay van.

Câu hỏi từ bạn Minhnhan Le: Cháu 36 tuổi, huyết áp bình thường, đã phẫu thuật sửa van hai lá hở 3,5/4, van ba lá (đặt vòng van); đốt rung nhĩ, được 8 tháng. Cháu siêu âm giờ vẫn hở 2/4, huyết áp 100/60 mmHg; Nhịp tim 86 lần/phút. Như vậy có vấn đề gì không?

Hiện cháu đang uống các thuốc sau: Cordaron 200mg: ½ viên/ngày, Captopril 25mg: ½ viên x 3 lần/ngày, Lasix 40mg: sáng ½ viên. Vậy cháu có khả năng mang bầu được không?

Gs. Phạm Gia Khải cho biết:

Tôi không phản đối các thuốc đang cho hiện nay, nhưng khi muốn có thai thì không được uống các thuốc này nữa. Cụ thể là không được dùng CordaronCaptopril, tại sao như vậy?

- Cordaron khi mẹ sử dụng có thể gây tổn thương tuyến giáp ở trẻ, cường giáp trạng.

- Captopril có thể gây sảy thai.

Bởi vậy, khi nào không cần dùng hai thuốc này nữa, mới nên đặt vấn đề là có thai. Rất may mắn là chị sửa van 2 là và sửa van 3 lá đánh đai thì không sợ, còn thay van 2 lá, thay van 3 lá thì chịu. Thông thường van 3 lá ít khi thay, vì máu dễ đông. Nhưng nếu thay van 2 lá bằng van carbon thì phải dùng thuốc chống đông. Trường hợp của chị có thể có thai được, nhưng với điều kiện là sau khi đã ngưng Cordaron và Captopril rồi, chỉ còn dùng kháng vitamin K trong vòng 3-6 tháng mà không ảnh hưởng đến sức khỏe,.

Hở van tim nhẹ chớ nên chủ quan?

Câu hỏi từ bạn Nguyễn Thị Thùy: Em năm nay 42 tuổi, cách đây 2 năm khám và siêu âm tim, kết quả hở van tim 2 lá thể nhẹ, và bệnh viện tim cho thuốc về uống. Sang năm tái khám lại thì bệnh đỡ hơn không phải uống thuốc nữa, và em đã dừng nửa năm nay. Nhưng hiện em hay mệt, đau đầu, đầu căng ra khi thay đổi thời tiết. Có phải bệnh của em là do hở van hay bị hẹp động mạch vành.

Gs. Phạm Gia Khải cho biết:

Trước tiên bạn cần đo huyết áp đã, vì có căng đầu. Sau khi đo huyết áp rồi mà không có gì thì kiểm tra lại điện tâm đồsiêu âm tim. Nếu điện tâm đồ và siêu âm tim không có vấn đề thì cần phải chụp mạch vành, nhưng trước tiên bạn cần kiểm tra xem có cao huyết áp không đã.

Câu hỏi từ bạn Giangcamtien Tien: Cháu 18 tuổi, bị hở van tim 2 lá nhẹ, chừng 2 năm nay. Nhưng dạo này cháu có dấu hiệu đau lưng nhức mỏi tay, đau chân không đi nổi, tim thì đau như ai đấm vào tim. Vậy liệu tim cháu đang có dấu hiệu nặng hơn không?

Gs. Phạm Gia Khải cho biết:

Hở van 2 lá hở nhẹ, nhất là hở 1/4 và 2/4 thì không có ý nghĩa gì, 3/4 trở lên mới có giá trị chẩn đoán. Trong trường hợp có xuất hiện dấu hiệu đau tim, mệt mỏi, bạn cần đi thăm khám lâm sàng lại lần nữa và làm siêu âm tim để có kết luận chính xác, từ đó có hướng điều trị kịp thời.

Tại sao kết luận hở van tim ở 2 bệnh viện lại khác nhau

Câu hỏi từ bạn Bùi Hiệp 33 tuổi: Cháu đi khám tim ở 2 nơi cho 2 kết quả khác nhau. Viện đại học Y Hà Nội siêu âm kết luận là hở van 2 lá nhiều và khoa tim của bệnh viện E kết luận là hở van 2 lá vừa. Hiện tại cháu chưa thấy tức ngưc hay khó thở gì. Xin hỏi giáo sư kết luận nào là chính xác? Khi nào phải thay van tim mới?

Gs. Phạm Gia Khải cho biết:

Nếu bạn không khó thở thì đừng quá lo lắng, hở 2 lá ít hoặc hở vừa thì không quan trọng.

Về kết quả siêu âm khác nhau: hở ít, hở vừa hay hở nhiều có thể là do đầu dò của máy siêu âm đặt ở những góc khác nhau. Nhưng vấn đề quan trọng là bạn có triệu chứng không? Bạn không nên lo lắng quá nhiều, tốt nhất nên đi khám ở cơ sở thứ 3 để xác định chính xác độ hở van tim.

 XEM CHIA SẺ CÁCH CHỮA BỆNH VAN TIM HIỆU QUẢ

MỜI BẠN XEM TIẾP

Phần 1: Chuyên gia tư vấn: Phòng và điều trị suy tim do bệnh tim mạch

Phần 3: Gs. Khải tư vấn điều trị suy tim do tăng huyết áp, bệnh van tim

Phần 4: Phòng và điều trị suy tim do thiếu máu cơ tim, bệnh mạch vành

Hoặc xem đầy đủ nội dung tư vấn TẠI ĐÂY