Dùng Amlodipin trị bệnh tim mạch thế nào an toàn, hiệu quả?

A- A+

Amlodipin thường được ưu tiên kê đơn trong điều trị ở bệnh nhân cao huyết áp, bệnh tim mạch. Tuy nhiên không phải ai dùng amlodipin cũng có được hiệu quả. Vậy dùng thuốc thế nào để hiệu quả và còn đảm bảo an toàn, bạn không nên bỏ lỡ bài viết dưới đây.

Amlor là biệt dược phổ biến của amlodipin thường được kê đơn trong điều trị tăng huyết áp, bệnh tim mạch

Amlor là biệt dược phổ biến của amlodipin thường được kê đơn trong điều trị tăng huyết áp, bệnh tim mạch

Giới thiệu về thuốc Amlodipin

Amlodipin là thuốc thuộc  nhóm chẹn kênh canxi. Thuốc hoạt động bằng cách thay đổi sự di chuyển của canxi trong các tế bào tim và mạch máu. làm giãn mạch, tăng lượng máu và oxy cung cấp cho tim. Vậy nên, Amlodipin thường được chỉ định cho:

  • Tăng huyết áp 
  • Đau thắt ngực ổn định mạn tính
  • Đau thắt ngực do co thắt mạch (Đau thắt ngực Prinzmetal).

Hiện nay, Amlodipin được dùng phổ biến dưới dạng viên nén với hàm lượng 5mg. Một số biệt dược phổ biến hay dùng: Amlor 5mg (Amlor Pháp), Stadovas 5mg, Amlodipin 5mg Vidipha...đặc biệt nhất là biệt dược Coveram (Kết hợp giữa amlodipin và perindopril). 

Nên dùng Amlodipin như thế nào?

Sử dụng đúng theo chỉ định sẽ giúp việc điều trị trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn. Vậy nên, bạn hãy tuân thủ theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất. Đôi khi, bác sĩ sẽ thay đổi liều dùng để đảm bảo được hiệu quả tốt nhất.

Cách dùng và liều dùng

Thuốc được dùng qua đường uống. Thuốc không bị ảnh hưởng bởi thức ăn nên bạn có thể dùng trước hoặc sau ăn đều được. Dùng thuốc vào một thời điểm nhất định trong ngày (Thường là buổi sáng). 

Tùy thuộc vào cơ địa, mức đáp ứng thuốc của người bệnh mà bác sĩ có thể thay đổi liều dùng cho phù hợp. Dưới đây là một số liều dùng thông thường: 

  • Ở người lớn và người cao tuổi bị tăng huyết áp và đau thắt ngực: Liều khởi đầu là 5mg, một lần/ngày. Có thể tăng lên 10mg/ngày nếu cẩn.
  • Ở trẻ em và thiếu niên từ 6 đến 17 tuổi bị tăng huyết áp: Theo khuyến cáo liều khởi đầu là 2,5mg một lần mỗi ngày. Nếu chưa đặt được mức huyết áp như mong muốn sau 4 tuần, có thể tăng liều lên 5mg một lần mỗi ngày.

Khi quên hoặc quá liều cần làm gì?

Nếu bạn quên liều trong vòng 12 giờ, hãy uống luôn khi nhớ. Tuy nhiên, nếu đã gần với liều tiếp theo, hãy bỏ qua liều đó và dùng thuốc như bình thường. Không uống bù gấp đôi liều.

Trong trường hợp uống quá liều, nếu tim đập nhanh, tụt huyết áp mạnh gọi cấp cứu và liên lạc ngay với bác sĩ để kịp thời xử trí.

Hãy nhớ uống thuốc đúng giờ để phát huy hết tác dụng của thuốc

Hãy nhớ uống thuốc đúng giờ để phát huy hết tác dụng của thuốc

Đối tượng người bệnh không được sử dụng Amlodipin

Ở các đối tượng này, có thể gây hậu quả nghiêm trọng sử dụng Amlodipin. Vì thế, thuốc được chống chỉ định trên các bệnh nhân sau: 

  • Dị ứng với bất kỳ thành nào của thuốc.
  • Người bệnh bị huyết áp thấp.
  • Người bệnh bị hẹp động mạch chủ nặng.
  • Suy tim huyết động sau nhồi máu cơ tim cấp.
  • Phụ nữ mang thai, cho con bú.

Những tác dụng không mong muốn khi dùng Amlodipin

Cũng giống như những thuốc điều trị tim mạch khác, khi sử dụng Amlodipin bạn có thể gặp nhưng tác dụng phụ. Theo nghiên cứu lâm sàng trên các bệnh nhân tăng huyết áp hoặc đau thắt ngực, tác dụng không mong muốn thường gặp là: 

  • Rối loạn hệ thần kinh: Đau đầu, chóng mặt, ngủ gà. 
  • Rối loạn nhịp tim: đánh trống ngực.
  • Rối loạn mạch: Mặt đỏ bừng
  • Rối loạn hệ tiêu hóa: Đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy.
  • Rối loạn toàn thân và tại chỗ: phù, mệt mỏi.

Ngoài ra, tuy ít nhưng bạn vẫn có thể gặp một số tác dụng phụ sau: Tăng đường huyết, hạ huyết áp, mất ngủ, thay đổi tâm tính, ho, khó thở, khô miệng, khó tiêu,...

Tương tác với thuốc và các loại tương tác khác

Một số loại thuốc có thể gây tương tác với Amlodipin. Vì vậy, bạn nên thông báo với bác sĩ nếu đang sử dụng một trong những loại thuốc sau: 

  • Các thuốc điều trị tăng huyết áp khác như: Ramipril, Lisinopril...
  • Thuốc chống nấm: Ketoconazol, Itraconazol...
  • Thuốc chống viêm không Steroid: Indomethacin...
  • Thuốc kháng sinh: Clarithromycin, Rifampicin...
  • Thuốc giảm mỡ máu: Simvastatin.

Đặc biệt: Không dùng Amlodipin với nước ép bưởi vì có thể làm tăng nồng độ của thuốc trong máu, làm trầm trọng hơn tác dụng phụ của thuốc.

Bưởi có thể làm trầm trọng hơn tác dụng phụ của Amlodipin

Bưởi có thể làm trầm trọng hơn tác dụng phụ của Amlodipin

Một số lưu ý khác bạn cần biết

Ngoài một số lưu ý về chỉ định, chống chỉ định tương tác thuốc. Bạn có thể lưu ý thêm một số điều sau:

  • Ở bệnh nhân tăng huyết áp: Có thể sử dụng đồng thời với các thuốc lợi tiểu thiazid, các thuốc chẹn beta hoặc ức chế men chuyển Angiotensin. mà không cần điều chỉnh liều
  • Ở bệnh nhân đau thắt ngực: Có thể dùng đồng thời các thuốc chống đau thắt ngực khác trên bệnh nhân kháng các dẫn chất nitrat. 
  • Khi huyết áp đã trở về mức độ bình thường, hãy tiếp tục sử dụng. Chỉ dừng lại khi có chỉ định của bác sĩ. 

Hy vọng qua bài viết trên, bạn đã biết cách để sử dụng Amlodipin an toàn và hiệu quả. Nếu bạn còn câu hỏi hoặc thắc mắc cần giải đáp, hãy để lại comment dưới bài viết này. Đội ngũ chuyên môn sẽ giải đáp cho bạn.

 

Nguồn tham khảo 

https://www.drugs.com/amlodipine.html

https://www.webmd.com/drugs/2/drug-5891/amlodipine-oral/details

https://medlineplus.gov/druginfo/meds/a692044.html

https://www.nhs.uk/medicines/amlodipine/

Công việc hiện tại: Trường ban biên tập nội dung sức khỏe cho website https://suytim.co/ Bản thân là một dược sĩ tốt nghiệp chuyên ngành Dược của Đại học quốc gia Hà Nội, từng là cộng tác viên suất sắc cho nhiều trang tin về sức khỏe và tham gia nhiều khóa đào tạo ngắn hạn về tim mạch do các GS, TS, BS chuyên khoa tim mạch hướng dẫn. Đến nay tôi tự tin với những nội dung mình viết ra sẽ giúp người bệnh tim mạch có được thông tin hữu ích nhất trong quá trình điều trị bệnh của mình. Với tôi viết về lĩnh vực sức khỏe tim mạch không chỉ là sự yêu thích mà là sự đam mê. Thông tin liên hệ SĐT: 0983.103.844; Email: [email protected]