Ngưng thở khi ngủ - Dấu hiệu cảnh báo bệnh tim mạch

A- A+

Ngưng thở khi ngủ là một rối loạn giấc ngủ thường gặp, gây thiếu oxy cho cơ thể và dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe, bao gồm bệnh tim, đột quỵ và tăng huyết áp…  Ngưng thở khi ngủ có thể là một dấu hiệu cảnh báo sớm của bệnh tim mạch.

Ngưng thở khi ngủ (sleep apnea) xảy ra khi đường hô hấp trên liên tục bị tắc nghẽn, hạn chế lượng không khí đi đến phổi. Những người bị rối loạn này khi ngủ thường ngáy to, đôi khi kèm theo tiếng khịt mũi hoặc tiếng thở như bị nghẹt. Lượng không khi trong phổi ít đi khiến cho não bộ và cơ thể không được cung cấp đủ oxy, có thể khiến người bệnh tỉnh dậy trong đêm. Ngưng thở khi ngủ có thể xảy ra vài lần cho tới vài trăm lần mỗi đêm.

Không chỉ ảnh hưởng tới giấc ngủ ban đêm, ngưng thở khi ngủ còn khiến cho cơ thể mệt mỏi và kém tập trung vào ngày hôm sau. Một số người có thể bị ngủ gật khi đang làm các công việc khác.

Ngưng thở khi ngủ xảy ra khi con người không tỉnh táo, bởi vậy có rất nhiều trường hợp không được chẩn đoán và điều trị. Cơ thể không nhận được đủ oxy trong thời gian dài sẽ dẫn đến những hậu quả tiêu cực đối với sức khỏe, bao gồm: Tăng huyết áp, bệnh tim, đột quỵ, tiền đái tháo đường, đái tháo đường và trầm cảm.

Ngưng thở khi ngủ: Triệu chứng và các yếu tố nguy cơ

Ngáy là triệu chứng phổ biến nhất ở những người bị ngưng thở khi ngủ. Tuy nhiên, không phải lúc nào ngáy cũng là ngưng thở khi ngủ, trừ khi nó xảy ra thường xuyên, kèm theo tình trạng nghẹt thở hoặc thở hổn hển và:

  • Mệt mỏi vào ban ngày
  • Đau đầu vào buổi sáng
  • Mất ngủ, khó duy trì giấc ngủ
  • Khô miệng hoặc đau họng khi thức dậy
  • Thường xuyên đi tiểu đêm
  • Khó tập trung
  • Trí nhớ kém
  • Ủ rũ, khó chịu hoặc trầm cảm.

Người béo phì dễ bị ngưng thở khi ngủ

Người béo phì dễ bị ngưng thở khi ngủ

Chứng ngưng thở khi ngủ có thể xảy ra ở bất kỳ ai, bất kỳ giới tính hay độ tuổi nào. Tuy nhiên, những người có đặc điểm sau đây sẽ có nguy cơ mắc chứng bệnh này cao hơn:

  • Thừa cân/béo phì: Một người trưởng thành có chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 25 trở lên được coi là thừa cân, béo phì. Nguy cơ ngưng thở khi ngủ tăng lên khi cân nặng thừa của cơ thể tăng lên.
  • Kích thước cổ lớn (trên 43cm với nam giới, trên 41cm với nữ giới): Vòng cổ lớn đồng nghĩa với lượng mỡ thừa tích quanh cổ nhiều hơn. Mỡ thừa có thể là tác nhân làm hẹp đường thở, gây ra chứng ngưng thở khi ngủ.
  • Tuổi cao: Ngưng thở khi ngủ thường gặp hơn ở nam giới trên 40 tuổi và nữ giới trên 50 tuổi. Người trên 60 tuổi nguy cơ càng cao.
  • Giới tính: Nam giới có nguy cơ ngưng thở khi ngủ cao gấp đôi so với nữ giới.
  • Thói quen hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc chứng ngưng thở khi ngủ.
  • Bị tăng huyết áp: Nhiều người bệnh ngưng thở khi ngủ có huyết áp cao.
  • Tiền sử gia đình có người bị ngưng thở khi ngủ.

Chẩn đoán ngưng thở khi ngủ

Một bác sỹ có chuyên môn trong việc chẩn đoán và điều trị chứng ngưng thở khi ngủ sẽ giúp chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh của bạn. Để việc chẩn đoán được dễ dàng hơn, bạn cần cung cấp các thông tin về triệu chứng trong lúc ngủ (chẳng hạn như ngáy to, hơi thở nghẹt, khịt mũi, thức dậy trong đêm,…) và tình trạng cơ thể vào ngày (mệt mỏi, buồn ngủ, kém tập trung…) trong vòng 2 tuần. Bản thân người bệnh đôi khi không tự nhận ra các triệu chứng của mình mà phải nhờ người ngủ cùng. Bằng những thông tin này và phương pháp nghiên cứu giấc ngủ, bác sỹ sẽ xác định một số nguyên nhân gây ngưng thở khi ngủ, chẳng hạn như:

  • Rối loạn giấc ngủ
  • Một bệnh/tật nào đó
  • Tác dụng phụ của thuốc
  • Rối loạn sức khỏe tâm thần
  • Lạm dụng chất gây nghiện

Chẩn đoán ngưng thở khi ngủ tương đối khó, đôi khi cần đến phương pháp giám sát thở qua đêm và đo chức năng của cơ thể khi ngủ:

Giám sát giấc ngủ qua đêm: Người bệnh sẽ được theo dõi hoạt động của tim, phổi, não, cử động tay chân khi ngủ thông qua các thiết bị được kết nối với màn hình. Giám sát giấc ngủ qua đêm thường được thực hiện tại trung tâm nghiên cứu giấc ngủ hoặc bệnh viện.

Đo chức năng khác của cơ thể: Bao gồm nồng độ oxy trong máu (nồng độ oxy trong máu sẽ giảm khi ngưng thở và tăng lên khi thức giấc) và mô hình thở.

Ngoài ra, việc kiểm tra tai mũi họng cũng giúp chẩn đoán ngưng thở khi ngủ do đường hô hấp trên bị tắc nghẽn.

Hiện nay trên thị trường có bán một số thiết bị theo dõi giấc ngủ, được quảng cáo là có thể phát hiện chứng ngưng thở khi ngủ. Tuy nhiên, kết quả của các thiết bị này thường không đáng tin cậy. Bạn nên đến phòng khám chuyên khoa để được chẩn đoán và có phương pháp điều trị chính xác.

Xem chia sẻ kinh nghiệm trị bệnh tim hiệu quả

Phương pháp điều trị ngưng thở khi ngủ

Ngưng thở khi ngủ là một rối loạn giấc ngủ nghiêm trọng cần được điều trị. Chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn nhẹ có thể được cải thiện bằng cách thay đổi lối sống (giảm cân, bỏ thuốc lá, không uống rượu bia). Nếu những biện pháp này không làm giảm triệu chứng, người bệnh sẽ cần đến các phương pháp điều trị khác, bao gồm:

Thở áp lực dương liên tục (Continuous Positive Airway Pressure – CPAP)

CPAP có hiệu quả cao trong điều trị ngưng thở khi ngủ

CPAP có hiệu quả cao trong điều trị ngưng thở khi ngủ

CPAP là phương pháp sử dụng thiết bị có dòng không khí ổn định, giữ cho đường thở mở suốt đêm và đường hô hấp không bị gián đoạn. Máy áp lực dương liên tục giúp người bệnh hô hấp liên tục mà không phải đặt ống thở (không xâm lấn). Áp lực từ máy CPAP giúp đường thở không bị xẹp trong khi ngủ.

Phương pháp thở áp lực dương liên tục được đánh giá là có hiệu quả cao trong điều trị chứng ngưng thở khi ngủ nặng. CPAP được khuyến khích điều trị cho tất cả các trường hợp ngưng thở khi ngủ.

Sử dụng thiết bị đặt miệng

Một thiết bị đặt trong miệng giữ cho họng mở bằng cách đẩy hàm ra phía trước. Người bệnh có thể hít thở bình thường nếu đeo thiết bị này trong giấc ngủ. Thiết bị đặt miệng thường được sử dụng cho những người bị ngưng thở khi ngủ mức độ nhẹ đến vừa nhưng dùng CPAP không có hiệu quả.

Phẫu thuật

Mục đích của phẫu thuật là loại bỏ mô dư thừa ở mũi hay cổ họng có thể gây ngáy hoặc chặn lối thông khí phía trên và gây ngưng thở khi ngủ. Lựa chọn phẫu thuật có thể bao gồm:

  • Phẫu thuật cắt bỏ mô thừa ở sau miệng và vòm họng (Uvulopalatopharyngoplasty - UPPP), ngăn chặn chúng dao động và gây ngáy.
  • Chỉnh hàm: Hàm dưới được điều chỉnh tiến lên phía trước so với xương mặt nhằm làm tăng không gian phía sau lưỡi và vòm miệng, ngăn ngừa đường thở bị tắc nghẽn.
  • Phẫu thuật mở ở cổ: Sử dụng trong trường hợp các phương pháp điều trị khác đã thất bại và chứng ngưng thở khi ngủ vẫn đe dọa cuộc sống của người bệnh. Phẫu thuật này tạo một lỗ trên cổ và chen ống kim loại/ống nhựa vào để hít thở khi ngủ.
  • Chèn các thanh nhỏ trong vòm miệng nhằm ngăn chặn đường thở bị xẹp gây ngáy. Phù hợp với người bệnh ngưng thở khi ngủ nhẹ đến trung bình.
  • Phẫu thuật cắt khối u mũi hoặc lệch vách ngăn mũi; Phẫu thuật cắt bỏ amidan phì đại hoặc u vòm họng.

Bài viết có thể bạn quan tâm:

8 bài tập thể dục làm tăng hiệu quả điều trị suy tim

Chế độ dinh dưỡng hợp lý cho người bệnh suy tim

Bên cạnh các phương pháp can thiệp y tế và thay đổi lối sống, việc thay đổi tư thế ngủ cũng giúp giảm ngáy và ngưng thở khi ngủ. Một số người bị ngưng thở khi ngủ khi nằm ngửa, chỉ cần xoay người nằm nghiêng là có thể hô hấp được bình thường.

Ngưng thở khi ngủ đi kèm với các nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng, bao gồm các bệnh tim mạch. Vì thế, việc phát hiện và điều trị kịp thời chứng ngưng thở khi ngủ rất quan trọng. Giấc ngủ sâu không chỉ xua đi mệt mỏi, cải thiện chất lượng cuộc sống mà còn giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ và tăng huyết áp.

Tham khảo: www.sleepeducation.org