Chảy máu chân răng có phải do dùng thuốc chống đông?

  • Mẹ tôi bị hở van 2 lá và đã phẫu thuật sửa van tim, hiện đang uống thuốc chống đông của bác sĩ. Mấy hôm nay, bà bị chảy máu chân răng khá nhiều. Vậy xin hỏi, chảy máu chân răng đó có phải là do tác dụng phụ của các loại thuốc tây đang dùng không và trường hợp của mẹ tôi cần phải xử trí như thế nào?

    Icon

    Hiện tượng chảy máu chân răng ở người bệnh sau thay van tim hay sửa van có thể do thuốc chống đông. Tuy nhiên, cũng không ngoại trừ là do vấn đề về răng miệng.

    Chảy máu chân răng ở người mắc bệnh tim là do đâu?

    Thông thường hiện tượng chảy máu chân răng là do bệnh về răng miệng. Tuy nhiên, nếu người bệnh đang mắc bệnh tim mạch, cần phải xem xét có sử dụng thuốc chống đông không, nếu bác đang sử dụng thuốc chống đông khả năng cao là do tác dụng phụ của thuốc gây nên. Trường hợp này rất nguy hiểm bởi ngoài gây chảy máu chân răng có thể gây xuất huyết nội tạng đe dọa tới tính mạng của bác, nên cần phải được xử trí kịp thời.

    Cần làm gì khi chảy máu chân răng do thuốc chống đông?

    Trước mắt bạn cần đưa bác tới bệnh viện tái khám để xác định nguyên nhân gây chảy máu chân răng từ đó có biện pháp xử lý phù hợp. Trong trường hợp chảy máu do bệnh về lợi thì bác cần điều trị tốt bệnh về răng miệng.

    Nếu chảy máu chân răng nguyên nhân là do thuốc chống đông thì bác sĩ sẽ điều chỉnh lại liều thuốc, loại thuốc chống đông phù hợp hơn. Bên cạnh đó bạn cũng cần lưu ý tới chế độ ăn cho bác, bởi điều này cũng có ảnh hưởng phần nào tới tác dụng của thuốc chống đông. Trong khẩu phần ăn hàng ngày, bác nên hạn chế ăn những thực phẩm có chứa nhiều vitamin K như các loại rau màu xanh đậm, cải bó xôi, mù tạt,...Bạn có thể bổ sung thêm cho bác nhiều vitamin C để giúp vết thương mau lành và tăng sức đề kháng của cơ thể. Vitamin C có chứa nhiều trong các loại trái cây như: cam, bưởi, me, xoài,… Lá trà tươi pha với mật ong cũng có tác dụng chữa các bệnh về răng miệng như: viêm lợi, viêm chân răng… Ngoài ra, mẹ bạn cũng nên lưu ý sử dụng loại bàn chải lông mềm, thay bàn chải 3 tháng/lần và chải răng nhẹ nhàng, đúng cách để hạn chế tình trạng chảy máu chân răng và phòng ngừa các bệnh về răng miệng.

    Có điều này bạn cũng cần lưu ý đó là nên đưa bác tái khám định theo lịch hẹn của bác sĩ hoặc khi có dấu hiệu xuất huyết bất thường như những vết bầm tím trên da, chảy máu cam, đi ngoài phân đen cũng cần đưa bác khám lại ngay để được theo dõi chỉ số  INR và có hướng xử trí, điều chỉnh lại liều thuốc, loại thuốc phù hợp hơn.

     Chảy máu chân răng là hiện tượng hay thường gặp ở những người mắc bệnh tim mạch có sử dụng các thuốc chống đông, nhưng nếu được điều chỉnh lại liều thuốc, loại thuốc phù hợp tình trạng này sẽ khỏi, vì vậy bạn và bác không cần quá lo lắng.

    Chúc bác nhiều sức khỏe!

    Thân mến.

Câu hỏi chuyên gia