Mắc bệnh tim cần phải làm gì trước khi mang thai?

  • Tôi có bệnh về tim, vậy tôi cần phải làm gì trước khi có ý định mang thai?

    Icon

    Chào bạn,

    Khi một người phụ nữ đang mang thai, trái tim sẽ phải làm việc cho hai người. Máu sẽ đi qua nhau thai của mẹ sang em bé. Điều này đòi hỏi tim phải cố gắng làm việc mạnh mẽ hơn, để bơm ra một khối lượng máu cao hơn trong mỗi phút, nhằm đáp ứng đủ nhu cầu cho cả mẹ và bé. Nếu bạn là một người phụ nữ có bệnh tim, sự cố gắng này có thể gây ra những ảnh hưởng nhất định cho sức khỏe của bạn.

    Bởi vậy, bất kỳ người phụ nữ có vấn đề về tim, điều đầu tiên cần làm trước khi mang thai là đến gặp bác sĩ tim mạch. Bác sĩ sẽ tiến hành những kiểm tra cần thiết để đánh giá tình trạng bệnh của bạn, và tiên lượng nhưng rủi ro có thể gặp phải trong quá trình mang thai. Nếu rủi ro ít, bạn vẫn có cơ hội sinh ra một em bé khỏe mạnh bình thường, nhưng cần sự theo dõi đặc biệt của bác sĩ từ trước và trong suốt quá trình mang thai, đồng thời sử dụng thêm một số loại thuốc nếu thực sự cần thiết. Nếu rủi ro cao, bác sĩ có thể trao đổi cùng bạn để cân nhắc xem có nên mang thai hay không.

    Dưới đây là một số bệnh tim phổ biến và những ảnh hưởng của chúng khi mang thai:

    - Hầu hết phụ nữ mắc tim bẩm sinh đều có thể mang thai an toàn. Tuy nhiên, em bé có mẹ bị bệnh tim bẩm sinh sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh. Siêu âm thai định kỳ có thể giúp phát hiện sớm các dị tật tim bẩm sinh ở bé, từ đó có hướng can thiệp phù hợp.Bệnh tim bẩm sinh:

    - Tăng áp lực động mạch phổi: Đây là một bệnh lý nghiêm trọng và người mẹ có nguy cơ cao bị tử vong trong quá trình mang thai.

    - Bệnh thấp tim: Bệnh thấp tim có thể làm hở một hoặc nhiều van tim, gây cản trở quá trình lưu thông máu. Nhưng hầu hết phụ nữ bị bệnh thấp tim đều có thể mang thai khỏe mạnh, tuy nhiên cần được theo dõi thường xuyên trong suốt thai kỳ.

    - Hẹp van động mạch chủ: Bệnh lý này cũng làm tăng đáng kể nguy cơ tử vong của mẹ và bé trong khi mang thai. Hẹp van động mạch chủ làm giảm lượng máu mà tim có thể bơm ra cho cơ thể. Do vậy, nếu hẹp nặng, có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi. Nếu có thể, tốt nhất nên được điều trị sớm bằng cách thay/ sửa van.

    - Hẹp van hai lá: Van hai lá hẹp, khiến máu có thể bị ứ đọng tại phổi. Nếu hẹp nhẹ có thể không quá đáng ngại, nhưng nếu hẹp nặng, việc điều trị sớm là rất cần thiết để bảo vệ mẹ và bé.

    Một số bệnh tim mạch khác như hở van tim, rối loạn nhịp tim, bệnh cơ tim cũng đặt ra những rủi ro nhất định trong quá trình mang thai, vì thế nên được theo dõi cẩn thận.

    Ngoài vấn đề của tim, thì một số loại thuốc điều trị bệnh tim cũng rất nguy hiểm cho sự phát triển của thai nhi. Vì vậy, cần trao đổi kỹ với bác sĩ về tất cả các loại thuốc bạn đang dùng trước khi mang thai.

    Tóm lại, nếu bạn mắc bệnh tim, để có một thai kỳ thành công và một em bé khỏe mạnh, điều quan trọng nhất là tham khảo ý kiến của bác sỹ tim mạch và kiểm soát tốt bệnh trước khi mang thai.

    Chúc bạn mạnh khỏe!

    Thân!

    Xem chia sẻ kinh nghiệm trị bệnh tim hiệu quả

Câu hỏi chuyên gia