Dùng Atorvastatin (Lipitor) điều trị mỡ máu cần chú ý 4 điều sau

A- A+

Atorvastatin (Lipitor) là một trong những thuốc điều trị rối loạn lipid máu hiệu quả nhất hiện nay. Tuy nhiên tác dụng của thuốc sẽ bị giảm đi nếu bạn dùng thuốc không đúng cách. Dưới đây là 4 điều mà các bác sĩ tim mạch khuyên bạn nên làm và không nên làm khi dùng Atorvastatin (Lipitor).

Dùng Atorvastatin (Lipitor) đúng cách sẽ giúp bạn hạn chế tác dụng phụ.

Dùng Atorvastatin (Lipitor) đúng cách sẽ giúp bạn hạn chế tác dụng phụ.

Nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc trước khi dùng Atorvastatin (Lipitor)

Đọc kỹ tờ hướng dẫn sử dụng là cách đơn giản nhất để bạn nắm được toàn bộ các thông tin cơ bản về thuốc. Trong những thông tin đó, bạn nên chú ý hơn vào mục tác dụng, cách dùng, chống chỉ định, tác dụng phụ và tương tác với các thuốc khác.

Tác dụng của Atorvastatin (Lipitor)

Atorvastatin (Lipitor) có tác dụng chính là giảm chất béo xấu LDL - cholesterol, triglyceride và tăng chất béo tốt HDL - cholesterol bằng cách giảm lượng cholesterol do gan tạo ra. Không chỉ vậy, thuốc còn giúp chống viêm mạch máu, chống xơ vữa mạch vành, phòng nhồi máu cơ timđột quỵ.

Do đó, bạn đừng quá ngạc nhiên khi được kê đơn loại thuốc này dù chưa bị mỡ máu cao hay mắc bệnh mạch vành. Ngay khi có các yếu tố nguy cơ (tăng huyết áp, tiểu đường, tiền sử gia đình mắc bệnh mạch vành, chỉ số HDL - cholesterol thấp), bác sĩ cũng có thể chỉ định cho bạn dùng Atorvastatin (Lipitor) để giảm các rủi ro kể trên.

Ai không nên dùng Atorvastatin (Lipitor)

Những người đang mang thai, cho con bú, mắc bệnh gan nặng, tăng men gan không nên sử dụng Atorvastatin (Lipitor). Bởi Atorvastatin có thể gây hại cho thai nhi và ảnh hưởng tới trẻ nhũ nhi. Vì vậy, bạn cần sử dụng các biện pháp tránh thai và báo ngay cho bác sĩ nếu bạn phát hiện mình có thai trong quá trình dùng thuốc.

Tác dụng phụ của Atorvastatin (Lipitor)

Thuốc điều trị mỡ máu Atorvastatin (Lipitor) nhìn chung khá an toàn. Bạn chỉ cần chú ý đến các tác dụng phụ thường gặp dưới đây:

- Đau cơ, đau nhức ở lưng và khớp.

- Đầy bụng, khó tiêu, tiêu chảy/ táo bón.

- Đau đầu.

- Chảy máu cam

- Viêm họng, sổ mũi, hắt hơi (giống triệu chứng cảm lạnh)

Nếu gặp các tác dụng phụ này, bạn cần trao đổi với bác sĩ. Việc điều chỉnh liều hoặc thay thế bằng một thuốc khác cùng nhóm statin có thể làm giảm tác dụng phụ mà vẫn đảm bảo được hiệu quả điều trị.

Hãy báo cho bác sĩ nếu bạn bị rối loạn tiêu hóa khi dùng Atorvastatin (Lipitor)

Hãy báo cho bác sĩ nếu bạn bị rối loạn tiêu hóa khi dùng Atorvastatin (Lipitor)

Các thuốc có thể tương tác với Atorvastatin (Lipitor)

Một số loại thuốc, vitamin khi được sử dụng cùng với Atorvastatin (Lipitor) có thể làm giảm hiệu quả hoặc tăng tác dụng phụ của thuốc. Chính vì thế, bạn cần cho bác sĩ biết các thuốc bản thân đang sử dụng, kể cả các loại vitamin bổ sung. Trong một số trường hợp, bạn sẽ phải giảm liều hoặc thay loại thuốc khác ít tương tác với Atorvastatin (Lipitor) hơn.

Danh sách các thuốc đã được ghi nhận có tương tác xấu với Atorvastatin (Lipitor) bao gồm:

Thuốc kháng sinh hoặc thuốc chống nấm như axit fusidic, erythromycin, clarithromycin, telithromycin, ketoconazole, itraconazole…

- Thuốc điều trị viêm gan siêu vi C, ví dụ: telaprevir, boceprevir hoặc kết hợp elbasvir và grazoprevir

- Thuốc điều trị HIV AIDS như tipranavir, ritonavir, lopinavir...

- Thuốc giảm cholesterol khác, ví dụ: fibrat, gemfibrozil, colestipol...

- Thuốc điều trị rối loạn nhịp tim digoxin, verapamil, amiodarone

- Thuốc tránh thai đường uống norethindrone và ethinyl estradiol

- Thuốc kháng acid chứa magie và nhôm oxit.

- Thuốc chống đông warfarin, thuốc điều trị gout colchicine, thuốc chống đau thắt ngực Amlodipin...

Nên uống Atorvastatin (Lipitor) đúng liều và vào cùng một thời điểm mỗi ngày

Liều dùng của Atorvastatin (Lipitor) không giống nhau ở mỗi người. Do đó, bạn nên dùng thuốc theo đúng liều được bác sĩ đã kê. Tuyệt đối không tự ý uống tăng liều hoặc giảm liều theo đơn của người bệnh khác.

Thông thường, bác sĩ sẽ cho bạn dùng Atorvastatin (Lipitor) với liều thấp 10mg/ngày để theo dõi đáp ứng của cơ thể. Nếu sau 4 tuần, chỉ số mỡ máu LDL - cholesterol, triglyceride vẫn không về mức cho phép, bạn sẽ được tăng liều lên 20, 40 hoặc 80mg/ngày (liều tối đa).

Atorvastatin (Lipitor) có thể duy trì tác dụng kiểm soát cholesterol máu trong vòng hơn 19 giờ. Vì vậy, bạn có thể tự chọn thời điểm uống thuốc trong ngày, sáng/ trưa/ tối, trước/ trong/ sau ăn đều được. Điều quan trọng, bạn nên cố định thời điểm uống thuốc giữa các ngày nhằm giữ cho nồng độ thuốc trong máu ổn định. Khi nồng độ thuốc trong máu ổn định, chỉ số mỡ máu của bạn cũng ổn định hơn.

Bạn nên uống Atorvastatin (Lipitor) vào cùng thời điểm mỗi ngày.

Bạn nên uống Atorvastatin (Lipitor) vào cùng thời điểm mỗi ngày.

Không nên uống nước bưởi hoặc rượu bia khi dùng Atorvastatin (Lipitor)

Nước bưởi có thể ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa Atorvastatin (Lipitor) trong cơ thể, từ đó làm tăng nguy cơ tác dụng phụ trên gan thận của thuốc. Bạn cần tránh sử dụng nước bưởi và bất cứ sản phẩm nào có thành phần này khi dùng Atorvastatin. Nếu vô tình uống nước bưởi, hãy dùng thuốc cách thời điểm này khoảng 12 giờ.

Tương tự với rượu, rượu cũng có thể làm tăng tác hại trên gan và tăng lượng chất béo xấu LDL - cholesterol trong máu. Tốt nhất, bạn nên hạn chế tối đa việc uống rượu để bảo vệ sức khỏe của mình.

Không tự ý ngưng sử dụng hoặc gấp đôi liều Atorvastatin (Lipitor)

Bạn sẽ cảm thấy khỏe hơn sau một thời gian dùng Atorvastatin (Lipitor) do chỉ số cholesterol đã về mức cho phép. Tuy nhiên điều này không có nghĩa bạn đã khỏi bệnh và có thể ngưng sử dụng thuốc. Tự ngưng dùng thuốc sẽ gây ra nhiều tác hại về lâu dài. Không chỉ là nồng độ mỡ máu tăng cao trở lại mà còn là nguy cơ không đáp ứng với thuốc kể cả với liều cao.

Việc gấp đôi liều Atorvastatin (Lipitor) cũng tương tự. Điều này có thể khiến chỉ số mỡ máu của bạn giảm thấp tức thì nhưng đi đôi với đó là các tác dụng phụ nghiêm trọng. Chưa kể đến, chỉ số mỡ máu quá thấp cũng nguy hiểm như mỡ máu cao.

Không riêng Atorvastatin (Lipitor), dùng bất kể loại thuốc nào cũng tiềm ẩn rủi ro. Nhưng nếu biết cách dùng đúng và tái khám khi có dấu hiệu nghi ngờ tác dụng phụ, bạn không những giảm được mỡ máu mà còn ngừa được rủi ro mà thuốc gây nên.

Tham khảo: https://medlineplus.gov/druginfo/meds/a600045.html