4 lưu ý người bệnh tim mạch cần nhớ khi tiêm vaccine COVID-19

A- A+

Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, để đưa cuộc sống trở lại bình thường chúng ta cần có miễn dịch cộng đồng. Tiêm vaccine chính là giải pháp tốt nhất giúp chúng ta làm được điều đó. Để việc tiêm chủng được an toàn, mọi người đặc biệt là người bệnh tim mạch cần nắm rõ 4 lưu ý khi tiêm vaccine COVID-19 trong bài viết dưới đây.

Ở lại phòng tiêm chủng 30 phút sau khi tiêm vaccine

Sau khi tiêm vaccine COVID-19, bạn cần ngồi tại trung tâm tiêm chủng trong vòng 30 phút để theo dõi sức khỏe. Bởi tình trạng sốc phản vệ (cơ thể phản ứng quá mạnh với vaccine) có thể xảy ra rất nhanh chỉ trong 1 - 30 phút sau tiêm. Mặc dù các trường hợp này cực kỳ hiếm gặp nhưng để đảm bảo an toàn tuyệt đối, các bác sĩ vẫn khuyến cáo người tiêm vaccine cần ở lại theo dõi.

Ngay cả khi đã về nhà, bạn vẫn cần tiếp tục theo dõi ít nhất 24 giờ tiếp theo, thậm chí là đến 3 tuần sau khi tiêm. Nếu cảm thấy chóng mặt hoặc buồn nôn, nôn hoặc bất kỳ phản ứng dị ứng nào, bạn cần thông báo cho cán bộ y tế để có biện pháp xử trí phù hợp.

Theo dõi kỹ các triệu chứng bất thường sau tiêm

Các triệu chứng tương tự bệnh cúm có thể xuất hiện từ nhẹ đến trung bình và hết trong vài ngày sau khi tiêm vaccine COVID-19. Đây là phản ứng cho thấy cơ thể bạn đang tạo ra miễn dịch phòng bệnh.

Các triệu chứng này bao gồm:

  • Đau nhức cánh tay tại chỗ tiêm
  • Sốt nhẹ
  • Mệt mỏi
  • Nhức đầu
  • Đau nhức cơ hoặc khớp 
  • Ớn lạnh
  • Bệnh tiêu chảy

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào trên đây hoặc bạn gặp phản ứng nghiêm trọng hơn, hãy báo cáo với trung tâm y tế ngay lập tức để có hướng xử trí kịp thời.

Ăn uống khoa học sau khi tiêm vaccine Covid-19

Như đã nhắc đến ở trên, sau khi tiêm vaccine COVID-19, bạn có thể gặp các triệu chứng khó chịu giống như khi bị nhiễm virus thật. Để giúp cơ thể nhanh phục hồi, một chế độ ăn khoa học giúp tăng sức đề kháng là rất cần thiết. 

5 nhóm thực phẩm bạn nên bổ sung vào thực đơn sau khi tiêm vắc xin phòng COVID - 19 bao gồm:

  • Rau có lá màu xanh đậm như bông cải xanh, cải bó xôi, cải xoăn, rau bina, rau ngót, rau muống…
  • Các thực phẩm cung cấp chất béo có nguồn gốc từ các hạt: vừng, lạc, dầu Oliu… 
  • Các thực phẩm giàu chất đạm có nguồn gốc từ động vật và thực vật như: thịt trắng, cá, cua, trai, hến, các loại đậu (đậu cô ve, đậu hà lan, đậu tương, lạc…).
  • Các gia vị kháng viêm như gừng, quế, tỏi, ớt, tiêu đen, đinh hương, ngải cứu...
  • Quả chín đặc biệt là quả việt quất.

Ngoài ra, việc ăn đồ ấm, dễ tiêu, chia nhỏ bữa ăn cũng giúp hệ miễn dịch của bạn hoạt động tốt hơn.

Chế độ dinh dưỡng phù hợp giúp tăng cường sức đề kháng trong mùa dịch Covid

Chế độ dinh dưỡng phù hợp giúp tăng cường sức đề kháng trong mùa dịch Covid

Cân nhắc trì hoãn tiêm nếu thuộc các đối tượng đặc biệt

Astrazeneca là vaccine Covid-19 đang được sử dụng phổ biến tại Việt Nam. Tuy nhiên theo Bộ Y Tế, có 9 nhóm đối tượng nên trì hoãn tiêm loại vaccine này bao gồm:

  • Người đang mắc bệnh cấp tính.
  • Phụ nữ mang thai hoặc phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ.
  • Những người bị suy giảm khả năng đáp ứng miễn dịch, ung thư giai đoạn cuối, xơ gan mất bù.
  • Những người trong vòng 14 ngày trước đó có điều trị corticoid liều cao hoặc điều trị hóa trị, xạ trị.
  • Những người trong vòng 90 ngày trước có điều trị immunoglobulin hoặc điều trị huyết tương của người bệnh Covid-19.
  • Người tiêm vaccine khác trong vòng 14 ngày trước.
  • Người mắc Covid-19 trong vòng 6 tháng.
  • Người trên 65 tuổi.
  • Người giảm tiểu cầu hoặc rối loạn đông máu.

Ngoài ra, các đối tượng sau đây cũng cần thận trọng khi tiêm chủng vaccine COVID-19 của Astrazeneca:

  • Người có tiền sử dị ứng với các dị nguyên khác.
  • Người có bệnh nền nặng, bệnh mạn tính chưa được điều trị ổn định.
  • Người mất tri giác, mất năng lực hành vi.
  • Người có bệnh mạn tính có mạch: < 60 lần/phút hoặc > 100 lần/phút, huyết áp tối thiểu < 60 mmHg hoặc > 90 mmHg, huyết áp tối đa < 90 mmHg hoặc > 140 mmHg, nhịp thở > 25 lần/phút và/hoặc SpO2 < 94% (nếu có).

Chúng ta chỉ có thể đạt miễn dịch cộng đồng khi mọi người đều được tiêm vaccine Covid-19. Vì vậy bạn hãy yên tâm và làm theo các lưu ý trên đây để tiêm phòng ngừa an toàn và hiệu quả nhất, góp phần đưa cuộc sống trở lại bình thường!

Nguồn tham khảo:

https://kcb.vn/huong-dan-tam-thoi-kham-sang-loc-truoc-tiem-chung-vac-xin-phong-covid-19-cua-astrazeneca.html

https://www.unicef.org/coronavirus/before-during-after-covid-19-vaccine