Tự sử dụng máy thở oxy, súc họng bằng nước muối đậm đặc, uống quá nhiều nước chanh, gừng và xả hay xông tinh dầu liên tục… là những sai lầm mà rất nhiều F0, F1 đang điều trị tại nhà mắc phải.
Nhiều F0 khi cách ly tại nhà chăm sóc sức khỏe sai cách
Qua theo dõi và hỗ trợ tư vấn cho các trường hợp F0 tại nhà, các chuyên gia cho biết rất nhiều người bệnh COVID-19 đang chăm sóc sức khỏe tại nhà sai cách. Điều này không chỉ khiến tốc độ phục hồi bị chậm lại mà còn có thể gây tổn thương cơ thể.
Cụ thể các sai lầm mà những người bệnh F0 hay mắc phải nhất là:
Nếu bạn không có triệu chứng, không bị giảm oxy máu, bạn không cần phải sử dụng máy thở oxy tại nhà. Sử dụng máy thở trong trường hợp này có thể khiến nồng độ oxy trong máu quá cao, gây ra các biến chứng như xẹp phổi, giảm thông khí, ngộ độc oxy và làm nặng thêm các bệnh lý hô hấp vốn có.
Trường hợp xuất hiện triệu chứng (ho, sốt, đau họng, khó thở…), nồng độ oxy máu giảm, bạn cần báo ngay cho nhân viên y tế. Nhân viên y tế sẽ đánh giá xem mức độ bệnh của bạn như thế nào, có cần thở máy không.
Nếu cần phải thở máy, bạn sẽ được chuyển tới các cơ sở y tế để các bác sĩ theo dõi sát. Bởi nhiều trường hợp F0 bị giảm oxy máu diễn biến rất nhanh, nguy cơ tử vong cao nếu không được điều trị tích cực tại bệnh viện.
Nhiều người bệnh cho rằng dùng nước có nhiệt độ càng cao và nồng độ muối càng mặn thì sẽ giúp tiêu diệt virus tốt hơn, đây là một quan điểm sai lầm.
Dùng nước muối quá nóng sẽ gây tổn thương đến lớp niêm mạc cổ họng và miệng. Trong khi nước muối mặn sẽ hút nước ở tế bào niêm mạc và làm chết tế bào niêm mạc. Cả hai điều này gộp lại không chỉ khiến bạn bị đau rát cổ họng và còn làm tổn thương hàng rào miễn dịch của cơ thể khiến virus, vi khuẩn càng dễ tấn công..
Cách súc họng tốt nhất là sử dụng nước muối sinh lý 0.9% mua tại hiệu thuốc, nhiệt độ từ 30 - 35 độ C, 2 lần/ngày sáng ngủ dậy và buổi tối trước khi lên giường. Nếu không thể ra hiệu thuốc mua, bạn có thể pha theo công thức: 10g muối tinh (2 thìa cà phê) pha trong 1 lít nước đun sôi để nguội để được nước muối 1% (gần sát với 0,9%).
F0 không nên khò họng bằng nước muối đặc và nóng
Bổ sung vitamin C tự nhiên là phương pháp giúp nâng cao sức đề kháng hiệu quả. Tuy nhiên, nếu bạn uống quá nhiều nước chanh pha gừng hay xả thì sẽ gây ra cảm giác cồn cào ruột gan, chướng bụng, viêm dạ dày, nóng trong, đi tiểu nhiều lần khiến người mệt mỏi. Đặc biệt nếu bị bệnh lý dạ dày, acid trong chanh sẽ ảnh hưởng xấu đến bệnh, tăng nguy cơ trào ngược dạ dày.
Theo các chuyên gia một ngày, một người chỉ nên sử dụng một cốc nước chanh nhỏ, không bỏ thêm gừng và uống sau khi dùng thuốc ít nhất 2 - 3 tiếng (tránh axit phá hỏng hiệu quả của thuốc). Nếu muốn tăng cường miễn dịch thì phải ăn đa dạng thực phẩm, rau củ quả trái cây tươi, vận động đều đặn, ngủ đủ giấc, giữ tinh thần thoải mái và từ bỏ các thói quen xấu như hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia.
Xem thêm: Cách chăm sóc sức khỏe trong mùa dịch COVID-19 cho người bệnh tim mạch
Thông thường, xông tinh dầu giúp đem lại cảm giác dễ chịu, bớt căng thẳng tâm lý trong những ngày chống dịch. Tuy nhiên, nhiều người đang quá lạm dụng phương pháp này.
Xông tinh dầu quá 2 lần một ngày sẽ khiến niêm mạc phổi của bạn trở nên nhạy cảm, khô rát hoặc tăng tiết dịch nhầy nhiều. Các nghiên cứu cũng chưa khẳng định những loại tinh dầu như tinh dầu tràm, dầu khuynh diệp… có thể bất hoạt virus SARS-CoV-2.
Nhiều người cho rằng tắm nắng 15 - 20 phút vào buổi trưa (10 - 12h) sẽ giúp diệt virus. Thế nhưng theo các chuyên gia: Việc tắm nắng buổi trưa để diệt virus là không có căn cứ. Chưa kể đến nhiều F0 đang có thể trạng yếu, khi đứng dưới nắng buổi trưa gay gắt dễ khiến cơ thể mệt mỏi, thậm chí có thể bị say nắng và ngất xỉu. Thay vì ra ngoài trời nắng vào buổi trưa, người dân nên mở cửa cho thoáng khí, đón ánh nắng vào nhà và thực hiện tốt 5K của Bộ Y Tế.
Dù là F0, F1 hay tất cả chúng ta đều nên tỉnh táo và có chọn lọc khi tiếp nhận thông tin trong thời điểm dịch bệnh Covid - 19 căng thẳng. Ngoài các khuyến cáo của Bộ Y Tế, những F0 có mắc kèm các bệnh lý nền khác như tim mạch, tiểu đường… còn cần điều trị tốt các bệnh lý này. Nếu có dấu hiệu bất thường, cần báo ngay cho nhân viên y tế gần nhất.
Xem thêm: 4 lưu ý người bệnh tim mạch cần nhớ khi tiêm vaccine COVID-19
Nguồn tham khảo: ncov.moh.gov.v, vnexpress.net nationalacademies.org