Chụp mạch vành trong chẩn đoán bệnh mạch vành quan trọng đến mức nào?

A- A+

Bên cạnh chụp mạch vành thì điện tâm đồ, triệu chứng lâm sàng cũng là những tiêu chuẩn để chẩn đoán bệnh mạch vành. Tuy nhiên, kết quả chụp mạch vành mới là chỉ tiêu chính xác nhất.

Đề cập về vấn đề này PGs. Ts Nguyễn Văn Quýnh - BV TƯQĐ 108 cũng đã chia sẻ nhiều thông tin hữu ích về vai trò, những rủi ro và lưu ý khi sử dụng phương pháp chụp mạch vành.

PGs. Ts Nguyễn Văn Quýnh cùng Mc trong buổi tư vấn về bệnh mạch vành - thiếu máu cơ tim

PGs. Ts Nguyễn Văn Quýnh cùng Mc trong buổi tư vấn về bệnh mạch vành - thiếu máu cơ tim

Chụp mạch vành tim - tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán bệnh mạch vành

Theo PGs. Ts Nguyễn Văn Quýnh - BV TƯQĐ 108: Dựa trên triệu chứng đau ngực và biến đổi điện tim là đã có thể chẩn đoán được bệnh mạch vành. Nhưng để chẩn đoán chính xác nhất vẫn cần phải chụp động mạch vành, bởi chỉ khi chụp động mạch vành mới có thể thấy nó hẹp hay không hẹp, nó có co thắt hay không co thắt và hẹp bao nhiêu. Cho nên phương pháp này được coi là tiêu chuẩn vàng.

Chụp mạch vành có thể xem được rõ đoạn  mạch vành tắc, đoạn mạch vành bị dị dạng

Chụp mạch vành có thể xem được rõ đoạn  mạch vành tắc, đoạn mạch vành bị dị dạng

Bác sĩ Nguyễn Văn Quýnh cũng cho biết thêm: Trong nhiều trường hợp bác sĩ chỉ cho làm điện tim, bởi đây cũng là cách phát hiện được bệnh, nhưng không phải ai cũng có biểu hiện trên điện tâm đồ. Trên điện tim thể hiện rối loạn tái cực của sóng T có thể là sóng T âm hoặc là ST hơi chênh lên đấy là biểu hiện của bệnh mạch vành, thiếu máu cơ tim. Nhưng thực tế  người tăng huyết áp, thành tim dày lên cũng có rối loạn trong điện tâm đồ.

Do vậy, trên điện tim rất có giá trị trong chẩn đoán bệnh mạch vành nhưng không phải là phương pháp tuyệt đối.

Các phương pháp chụp mạch vành và ưu nhược điểm

Chụp động mạch vành có hai phương pháp bao gồm: Chụp CT động mạch vành đa dãy MSCT và phương pháp chụp động mạch vành qua da. Tùy vào từng trường hợp cụ thể mà các bác sĩ sẽ có hướng lựa chọn phương pháp phù hợp.

Chụp MSCT mạch vành

Chụp CT (cắt lớp vi tính) mạch vành có nhiều loại, nhưng chỉ có máy CT từ 64 dãy trở lên mới có thể chụp được động mạch vành. Hiện nay đã có những máy chụp CT lên tới 320 dãy, 268 dãy.

Ưu điểm của phương pháp này là chi phí rẻ và dễ thực hiện hơn chụp mạch vành qua da. Nhưng đối với những trường hợp cấp cứu cần can thiệp nong, đặt stent luôn thì MSCT không thực hiện được.

Do vậy, phương pháp này chỉ được chỉ định ở những người có khả năng mắc bệnh tắc hẹp mạch vành nhưng không phải trường hợp khẩn cấp.

Chụp động mạch vành qua da

Nếu chụp mạch vành đồng thời can thiệp luôn gọi là chụp động mạch vành qua da. Phương pháp này tiến hành bằng cách luồn ống thông qua da vào động mạch bẹn hoặc là động mạch cổ tay, sau đó đưa đến mạch vành tim để chụp hình ảnh của mạch vành. Trong quá trình thực hiện, nếu có đoạn mạch vành nào cần thiết phải đặt stent thì bác sĩ sẽ can thiệp luôn.

Chụp mạch vành qua da luồn một ống thông qua động mạch bẹn vào tới mạch vành tim

Chụp mạch vành qua da luồn một ống thông qua động mạch bẹn vào tới mạch vành tim

Chi phí chụp mạch vành qua da đắt hơn chụp mạch vành đa dãy và đây là can thiệp chảy máu. Cho nên nó sẽ có những rủi ro nhất định. Để đảm bảo an toàn cho người bệnh, bác sĩ luôn chỉ định chụp đa dãy trước, sau đó nếu có đoạn mạch vành nào cần đặt stent mới chụp động mạch vành qua da để can thiệp luôn.

Tuy nhiên, trường hợp người bệnh có cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim thì cần phải chụp động mạch vành qua da để có thể tranh thủ thời gian cứu sống tính mạng của họ, bởi đây là tình trạng khẩn cấp.

Gs. Ts Nguyễn Văn Quýnh cho biết: Nếu có điều kiện chẩn đoán bệnh mạch vành bằng video chụp mạch vành là tốt nhất, nhưng dù là cách nào cũng cần đến thuốc cản quang nên có gây hại tới cơ thể. Đặc biệt là đối với những người nào có dị ứng với thuốc cản quang hay những người bị hen không thể áp dụng phương pháp này.

Xem tư vấn của PGs. Ts Nguyễn Văn Quýnh về các phương pháp chụp mạch vành

Khi nào cần chụp động mạch vành?

Chụp động mạch vành được chỉ định trong những trường hợp:

  • Bệnh động mạch vành: Giúp xác định vị trí, mức độ tổn thương của các mạch vành và đánh giá tình trạng thu hẹp hoặc tắc nghẽn ở trong lòng mạch. Chụp mạch vành đặt stent, nong mạch hay phẫu thuật bắc cầu động mạch có thể được thực hiện đồng thời để điều trị.
  • Nhồi máu cơ tim cấp: Bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp hoặc đã ổn định sau nhồi máu cơ tim, mà xuất hiện đau ngực lại thì chụp mạch vành là chỉ định bắt buộc. 
  • Đau thắt ngực: trong trường hợp đáp ứng kém với điều trị nội khoa cũng cần chụp mạch vành.
  • Một số bệnh lý tim mạch khác như rối loạn nhịp thất, rối loạn chức năng thất trái, bệnh van tim… cũng có thể được chỉ định phương pháp này để giúp đánh giá và tiên lượng bệnh.

Cần chuẩn bị gì trước khi chụp động mạch vành?

Trước khi tiến hành chụp động mạch vành, bạn có thể cần nhập viện trước một ngày để được tiến hành các xét nghiệm như xét nghiệm máu, siêu âm tim, X-quang phổi… để chắc chắn rằng bạn có thể thực hiện được thủ thuật này.

Một số đối tượng không nên chụp động mạch vành, bao gồm:

  • Người bệnh rối loạn đông máu
  • Suy thận nặng
  • Dị ứng thuốc cản quang
  • Nhiễm trùng đang tiến triển
  • Có rối loạn sinh hoá, điện giải, thiếu máu,…
  • Suy tim mất bù
  • Các bệnh mạch ngoại vi nặng
  • Phình ĐM chủ bụng
  • Tăng huyết áp nghiêm trọng không kiểm soát được.

Bạn cũng cần liệt kê tất cả các loại thuốc đang sử dụng cho bác sĩ bởi vì có thể phải ngưng một số thuốc trước khi làm thủ thuật.

Cuối cùng, nhớ nhịn đói trong vòng 6 giờ trước khi chụp.

Chụp động mạch vành có nguy hiểm không?

Phản ứng phụ của chụp động mạch vành có thể gặp phải bao gồm đau ngực nhẹ, tim đập nhanh hơn, bầm tím và sưng ở nơi đặt ống thông, thường ở cổ tay hoặc ở bẹn. Tuy nhiên, không quá nguy hiểm.

  Chụp động mạch vành là phương pháp chẩn đoán an toàn, ít biến chứng

Chụp động mạch vành là phương pháp chẩn đoán an toàn, ít biến chứng

Ngoài ra có một số ít rủi ro hiếm gặp phải là:

  • Chảy máu trong và sau khi thực hiện
  • Nhiễm trùng vết mổ hoặc nhiễm trùng máu
  • Sốc phản vệ với thuốc gây tê
  • Dị ứng với thuốc nhuộm mạch
  • Tổn hại thận khi bài tiết thuốc nhuộm ra khỏi máu
  • Rối loạn nhịp tim, thường kết thúc sau khi thực hiện thủ thuật
  • Xuất huyết dưới da
  • Đau tim hoặc đột quỵ.

Xem thêm: Bệnh động mạch vành và các câu hỏi thường gặp

Chụp mạch vành hết bao nhiêu tiền?

Chi phí chụp mạch vành sẽ tùy thuộc vào từng bệnh viện, từng loại chụp mạch vành và tình trạng bệnh của từng người. Giá  chụp MSCT mạch vành đa dãy khoảng 4 triệu, phù hợp với túi tiền của nhiều người. Còn nếu chụp động mạch vành qua da chi phí sẽ đắt hơn vào khoảng 15 - 20 triệu (chưa kể chi phí stent).

Bảo hiểm y tế cũng có chi trả một phần, trong trường hợp chụp MSCT mạch vành với hệ số là 40% đối với trường hợp trái tuyến và 80% đối với trường hợp đúng tuyến.

Phương pháp chụp động mạch vành có thể được thực hiện tại các chuyên khoa tim mạch của những bệnh viện lớn trên cả nước.

Xem thêm: Chi phí của các loại kỹ thuật chụp mạch vành ở các bệnh viện lớn

Quá trình phục hồi sau chụp động mạch vành

Sau chụp động mạch vành, bạn có thể xuất viện ngay trong ngày. Bạn không được tắm hay lái xe ngay khi vừa làm thủ thuật và cần có người ở bên cạnh trong đêm đầu tiên.

Đa số các trường hợp chỉ cần một đến ba ngày để bình phục hoàn toàn. Mặc dù, người bệnh hơi mệt mỏi sau thủ thuật nhưng sẽ phục hồi nhanh chóng. Vết mổ lành sau một tuần.

Nếu bạn được chỉ định chụp động mạch vành thì không cần quá lo lắng, bởi cho đến nay đây vẫn được xem là phương pháp chẩn đoán và điều trị bệnh tim an toàn và hiệu quả..

Xem thêm: Chia sẻ của cô Loan (Đào Tấn, Hà Nội) về kinh nghiệm trị bệnh mạch vành hiệu quả, dứt đau thắt ngực, giảm tắc hẹp mạch vành.

Bởi tính chính xác của phương pháp chụp mạch vành nên nó đang dần thay thế điện tâm đồ trong việc chẩn đoán bệnh mạch vành, thiếu máu cơ tim. Tuy nhiên, do thủ thuật này vẫn có thể gây ra rủi ro, dù là tỉ lệ thấp, nên bạn cần phải tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ và theo dõi cơ thể sau khi chụp xong nhằm có kết quả tốt nhất.

Biên tập lại theo tư vấn của PGS. TS Nguyễn Văn Quýnh