Chúng ta đã rất thân thuộc với thuật ngữ "nhịp tim", tuy nhiên nhịp tim được hình thành như thế nào và yếu tố nào quyết định nhịp tim hằng ngày của bạn?
Đây là một câu hỏi được rất nhiều người đặt ra và hoạt động của trái tim vẫn luôn là một trong những bí ẩn lý thú nhất của cơ thể con người.
Khi bị kích thích, mỗi tế bào cơ tim đề đáp ứng tối đa để tạo ra một co bóp cực đại. Đây gọi là hiệu ứng "All or not" (tất cả hoặc không). Nhịp tim của người bình thường vào khoảng 70 lần 1 phút. Một lần tim đập, tâm thất tống ra được khoảng 70 cm3 máu. Như vậy trong một ngày đêm tim đập khoảng 100.000 lần và bơm được khoảng 7.571 lít máu vào hệ thống tuần hoàn. Trình tự hoạt động của tim diễn ra trong mỗi lần đập gọi là 1 chu chuyển tim và được điều khiển bởi bộ phát nhịp cùng với các hệ thống dẫn truyền đó là: Nút xoang, nút nhĩ thất, bó His và lưới Purkinje.
Nút xoang là một cụm mô cơ tim được biệt hóa nằm ở thành của tâm nhĩ phải gần lối vào của tĩnh mạch chủ trên, đó là nơi phát nhịp đối với toàn bộ các phần còn lại của tim, quyết định tim đập nhanh hay chậm. Các tế bào của nút xoang có thể tự động hưng phấn, do đó chúng co bóp theo nhịp mà không cần phải có kích thích của hệ thần kinh. Khi nút xoang hoạt động, tim đập bình thường ngay cả khi cắt thần kinh chi phối nó.
Thực chất nhịp tim mà chúng ta nghe thấy là một hoạt động tổng thể gồm hai bước, được thực hiện gần như đồng thời trong khoảng 1s.
Bắt đầu là kì tâm trương: nhĩ phải và nhĩ trái giãn ra, máu được hút về các khoang phía trên. Khi tâm nhĩ đầy máu, áp lực máu lên thành tâm nhĩ sẽ kích thích nút xoang truyền các xung động tạo ra một co bóp đồng bộ làm tâm nhĩ thu, đẩy máu qua các van ba lá, van hai lá vào tâm thất phải và tâm thất trái. Khi tâm thất đã được tống đầy máu, van hai, ba lá đóng lại đồng thời các van động mạch phổi và động mạch chủ được mở ra, chấm dứt thời kì tâm trương.
Hoạt động của van tim
Tiếp theo là thời kì tâm thất thu, co bóp từ tâm nhĩ không lan trực tiếp tới tâm thất mà thông qua lan truyền xung động từ nút xoang đến nút nhĩ thất, qua những sợi dẫn truyền ở các nhánh của bó His đi đến mạng lưới Purkinje trong thành tâm thất và truyền đến toàn bộ tâm thất. Tâm thất thu bắt đầu từ đáy tim, lan lên phía trên và tống máu từ tâm thất vào động mạch chủ và động mạch phổi. Khi đó, máu được đẩy từ tâm thất phải vào phổi để nhận oxy và máu từ tâm thất trái (giàu oxy) được bơm vào hệ thống tuần hoàn. Sau đó tâm thất giãn ra, bắt đầu thời kì tâm trương toàn bộ. Các hoạt động co bóp, tống đẩy này được lặp đi lặp lại và tạo nên nhịp tim đều đặn của chúng ta.
Tuy nhiên, trái tim không làm việc một mình. Hệ thần kinh vẫn luôn điều khiển hoạt động của tim dựa trên sự thay đổi của các yếu tố khác như: thời tiết, tình trạng căng thẳng hay mức độ hoạt động thể chất… Chính vì vậy mà nhịp tim sẽ tăng trong thời gian gắng sức và giảm trong khi nghỉ ngơi để đáp ứng đủ máu cho nhu cầu hoạt động của cơ thể.
Như vậy trái tim con người là một hệ thống được thiết kế hoàn chỉnh để đáp ứng chức năng hoạt động của nó. Hãy duy trì một chế độ sinh hoạt lành mạnh, giảm stress và các yếu tố nguy cơ của suy tim để giúp trái tim của chúng ta khoẻ mạnh hơn.