Bệnh cơ tim chu sinh là những trường hợp suy tim có liên quan đến thai sản, cần phải được quan tâm điều trị để đảm bảo an toàn cho cả sản phụ và thai nhi.
Khi có thai, do nhu cầu cơ thể của người mẹ và của thai nhi tăng lên, tim phải làm việc và co bóp mạnh hơn. Bởi vậy, đối với những sản phụ có bệnh tim rất dễ bị suy tim. Bệnh thường bắt đầu ở tuần 20 của thai kỳ và kết thúc ở giai đoạn hậu sản. Tuy hiếm gặp, nhưng bệnh có tỷ lệ tử vong cao, với các biểu hiện cơ tim giãn với dấu hiệu suy tim nặng.
Khi xử trí một trường hợp sản phụ bị suy tim, ngoài tình trạng bệnh lý cần phải dựa vào số lần có thai, tuổi của sản phụ để quyết định.
Trong việc điều trị BCTCS, các bác sỹ luôn chú trọng những điều sau đối với bệnh nhân: Hạn chế muối và sản phẩm mặn vào cơ thể, hạn chế dịch, tăng sức co bóp cơ tim, giảm hậu gánh và tiền gánh, phòng ngừa thuyên tắc mạch, kiểm soát rối loạn nhịp tim. Đây là bệnh có liên quan đến thai kỳ và cho con bú nên có những đặc thù trong việc chọn lựa thuốc theo từng giai đoạn.
Bệnh cơ tim chu sinh là những trường hợp suy tim có liên quan đến thai sản
Điều trị suy tim ở 3 tháng cuối của thai kỳ: Là sự phối hợp của chuyên khoa: tim mạch, sản khoa. Vì tính an toàn cho thai nhi, sản phụ phải được thông báo trước những biến cố do bệnh và do hậu quả không mong muốn của việc điều trị gây ra.
Phòng ngừa huyết khối là cần thiết cho BCTCS do nguy cơ tạo huyết khối ở bệnh cơ tim giãn nở cao.
Chăm sóc một BCTCS trong chuyển dạ sinh: Cần có sự phối hợp giữa bác sĩ sản khoa, tim mạch và gây mê. Sản phụ cần được điều trị suy tim tối ưu trước dự sinh. Gây tê vùng, giảm đau ngoài màng cứng được đề nghị nhằm làm giảm gắng sức do đau, sinh qua ngả âm đạo vẫn là lựa chọn ưu tiên vì nguy cơ thuyên tắc phổi, mất nhiều máu, viêm nội mạc tử cung cao hơn ở nhóm bệnh sinh mổ. Dù vậy, việc quá thận trọng với chỉ định mổ bắt con có thể gây hại cho mẹ và thai nhi. Điều trị những biến chứng cấp, rối loạn nhịp được sử dụng thuốc như những trường hợp suy tim thông thường.
Điều trị BCTCS cho sản phụ sau sinh: Giống như điều trị giai đoạn trước sinh, chỉ thêm là bổ sung nhóm thuốc ức chế men chuyển, chẹn thụ thể angiotensin II – nhóm thuốc có khả năng cải thiện tỉ lệ tử vong cao cho bệnh suy tim có chức năng tâm thất trái suy giảm. Thuốc captopril và enalapril thường được lựa chọn nếu sản phụ cho con bú, vì những thuốc này bài tiết ít qua sữa mẹ. Thuốc lợi tiểu kháng aldosteron được chỉ định cho những bệnh nhân suy tim.
Lời khuyên của thầy thuốc là cần phải đăng ký và quản lý sớm tất cả sản phụ có bệnh tim, điều trị sớm tất cả các trường hợp suy tim. Với những sản phụ bị bệnh tim, khi gần đến kỳ chuyển dạ, cần phải đưa vào nằm viện để theo dõi. Riêng đối với những trường hợp có suy tim mà điều trị ngoại trú không có kết quả thì phải cho vào nằm viện ngay.
Để phòng ngừa suy tim liên quan đến thai sản cần có chế độ khám thai và chăm sóc thai chu đáo. Sản phụ cần tuân thủ theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ khám thai, đặc biệt lưu ý những sản phụ có yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp trong thai kỳ, tiền sản giật, đa thai, sinh nhiều lần. Trong những tháng thai kỳ cần tầm soát hệ tim mạch như: đo điện tim, siêu âm tim, xét nghiệm men tim… Cần có chế độ nghỉ ngơi nhiều, đặc biệt trong 3 tháng cuối thai kỳ, chế độ ăn nhạt, uống nước đủ. Sau khi sinh, cần tầm soát một khi có những dấu hiệu nghi ngờ trong giai đoạn trước hoặc lúc chuyển dạ sinh. Dùng thuốc kháng đông heparin có trọng lượng phân tử thấp với 2 liều Levonox sau sinh để phòng thuyên tắc mạch, cần vận động sớm. Ăn uống đủ dinh dưỡng, chú ý canxi và các vitamin khác.
Xem thêm:
Nghiên cứu đánh giá hiệu quả của Ích Tâm Khang trong hỗ trợ điều trị suy tim
Người bệnh chia sẻ kinh nghiệm điều trị suy tim
BS.CKII. Nguyễn Hữu Thuận
Báo Sức khỏe & Đời sống
Thông tin cho bạn: TPCN Ích Tâm Khang - giải pháp giúp hỗ trợ điều trị và phòng ngừa bệnh tim mạch.