Suy tim không có nghĩa là tim ngưng đập, chỉ là chức năng bơm máu của tim yếu đi làm cho người bệnh phải đối mặt với tình trạng đau ngực, nặng ngực, khó thở, mệt mỏi triền miên. Vì vậy, Phòng và điều trị suy tim do bệnh tim mạch sớm sẽ giúp người bệnh tim mạch (hẹp hở van tim, bệnh mạch vành, rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp…) có thể làm chậm lại tiến trình suy tim.
Tư vấn của Gs. Phạm Gia Khải – nguyên Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, về chủ đề này trên page Bệnh tim mạch ngày 22/9/2017, được chúng tôi đăng lại ở đây - (Phần 1)
Câu hỏi từ bạn Bùi Thị Hồng 26 tuổi: Em bị hở van tim 2/4, khi thay đổi thời tiết, hoặc làm việc nặng thì có đau ngực, khó thở,mệt mỏi. Cách đây 1 năm bị hở 1/4, BS có thể giúp em hướng dẫn sao cho mức độ không nặng thêm và không bị suy tim ạ.
Gs. Phạm Gia Khải cho biết:
Hở van tim 2/4 hoặc 1/4 có thể là sai số do siêu âm. Nhưng ngay cả hở van tim 2/4 đôi khi không phải là nguyên nhân gây khó thở, bởi tình trạng này có thể do nguyên nhân khác ngoài bệnh tim mạch. Nếu do những bệnh này sẽ không tiến triển thành suy tim. Nếu là nữ 26 tuổi,ngoài nguyên nhân bệnh mạch vành hoặc tăng huyết áp (rất hiếm gặp), nên xem lại canxi trong máu cao hay thấp, canxi ion hóa thiếu hoặc canxi toàn phần thiếu cũng gây đau tức ngực khi gắng sức, có các biểu hiện như bệnh tim, nhưng không phải bệnh tim. Tốt nhất bạn nên định lượng lại nồng độ canxi trong máu.
Câu hỏi từ bạn Nguyễn Minh Đạt, 53 tuổi: Thưa bác sĩ, tôi bị huyết áp cao 160, giãn động mạch chủ tại gốc 48mm, điều trị tại viện tim TPHCM hơn 1 năm nay, nói chung bệnh tạm ổn, uống thuốc đều đặn: Cozaar, Nebilet; Cardilopin. Xin hỏi tôi có phải uống thuốc suốt đời không. Liệu gặp phải biến chứng gì và sau này có bị suy tim không? Tuổi thọ khi mắc bệnh kéo dài được bao lâu.
Gs. Phạm Gia Khải cho biết:
Nếu mà động mạch chủ của bác kích thước 48mm thì hơi to, bình thường chỉ 40mm. Cách theo dõi như sau: Hằng năm bác phải đi kiểm tra, nếu đường kính động mạch chủ tăng từ 2mm trở lên thì phải cẩn thận phình động mạch chủ tại đó hoặc tách nội mạc động mạch chủ, máu lách vào, đều rất nguy hiểm.
Thường người từ 1m 65 trở lên mà đường kính động mạch chủ từ 50 mm trở lên là to. Cần phải cẩn thận, còn cái khác không quan trọng.
Về dùng thuốc phải xem có vữa xơ động mạch không? Nếu có thì chế độ ăn không được ăn mặn. Huyết áp cao 160 cần phải chữa bằng thuốc suốt đời, chỉ đến khi huyết áp xuống 100 mới cần xem xét giảm liều thuốc hoặc điều chỉnh thuốc khác.
Về nguy cơ biến chứng, trước mắt là biến chứng của tăng huyết áp có thể là vỡ mạch máu não, biến chứng tim, mắt có thể mờ đi, xơ vữa động mạch vành và các chi. Ở Việt Nam thì thường biến chứng ở não. Và suy tim cũng là một trong những biến chứng hay gặp ở người tăng huyết áp.
Ảnh Gs.Khải cùng Mc của chương trình trước khi bắt đầu buổi GLTT
Câu hỏi từ bạn Nguyễn Yến: Em trai tôi năm nay 25 tuổi bị cao huyết áp vô căn, lúc mới phát hiện bệnh, gia đình có đưa em siêu âm tim kết quả bị hở van tim 3 lá 2/4, nhưng bác sỹ chỉ cho uống thuốc kiểm soát huyết áp. Nay siêu âm lại thì hở 2,5/4. Xin hỏi Giáo sư có nguy hiểm không? và điều trị ở đâu tốt, bệnh này có cách nào trị dứt hẳn không.
Gs. Phạm Gia Khải cho biết:
Mức độ hở van 2,5/4 và 2/4 không khác nhau mấy, khi siêu âm van tim ở góc này hở 2/4, góc kia hở 2,5/4 là bình thường, bạn đừng quá lo lắng. Bác sĩ cho thuốc như thế là đúng.
Phương pháp điều trị của bạn là chữa cao huyết áp, chứ không phải chữa bệnh van tim 3 lá. Cao huyết áp chỉ khi nào huyết áp dưới 100 mới không uống thuốc. Còn tất cả đều phải uống thuốc, kể cả khi bình thường.
Câu hỏi từ bạn Nhien Bui: Cháu bị mệt, đi khám và làm các xét nghiệm thì được chẩn đoán hẹp van 2 lá hậu thấp, hở van 2 lá 2/4, hở van 3 lá ¼, lá van dày xơ hóa bộ, không tăng áp phổi, dãn nhĩ trái, không huyết khối. Liệu cháu có bị suy tim không ạ?
Gs. Phạm Gia Khải cho biết:
Bạn đang bị bệnh van tim do thấp tim, phòng thấp tốt cần ít nhất là tới 18 tuổi hoặc phải đạt được 5 năm điều trị (nếu phòng thấp đủ 5 năm, kể cả chưa đến 18 tuổi, nhưng không bị đau họng, đau mũi nữa thì có thể ngừng). Tóm lại dự phòng thấp tim cần điều trị ít nhất là 5 năm thì bệnh thấp tim không bị tái phát nữa, sẽ không bị suy tim.
Phòng thấp ở các tỉnh đều có cả. Nếu một người nặng trên 27 kg, tiêm 1 triệu 2 đơn vị Penicillin chậm 4 tuần 1 lần. Nếu trong quá trình đó, lại bị cả thấp tim nữa thì lại tiêm 1 lần nữa. Nếu không tiêm được loại 1 triệu 2 Penicillin chậm thì uống loại Erythromycin. Nếu không dùng được Erythromycin, uống Phenoxymethyl Penicilin (Penicilin V) 200.000 đơn vị/1 ngày.
Câu hỏi từ bạn Hùng Đình: Tôi có người anh bị bệnh thấp tim, khám tại BV Bạch Mai để dự phòng tái phát cấp 2 , bác sĩ cho uống Penicilin V đều đặn. Nhưng theo tôi biết nếu tiêm bắp Penicilin G thì tái phát sẽ thấp hơn đúng không ạ?. Tại sao bác sĩ không chỉ định anh tôi tiêm Penicilin G?
Gs. Phạm Gia Khải cho biết:
Không phải là Penicillin G hiếm, mà có thể do người anh không muốn. Tiêm Penicillin G thì phải tiêm 4 tuần 1 lần, và phải đến bệnh viện, bởi tiêm Penicillin G có thể bị dị ứng, cần đến bệnh viện để được xử lý kịp thời. Với dạng uống ít gặp các rủi ro hơn.
Tuy nhiên, tiêm thì tốt hơn, nhưng có đe dọa là dị ứng bất cứ lúc nào. Ngay cùng một hãng thuốc đó, có thể hôm nay không sao nhưng 4 – 5 năm nữa lại bị.
Câu hỏi từ bạn Vận Tải Mai Phú: Em bị cơ tim phì đại, hiện tại không có vấn đề gì. Chỉ khi đi bộ nhiều, lên cầu thang mới có thấy mệt, tim đập nhanh, mạnh. Bác sĩ cho em lời khuyên về bệnh này có phương pháp gì điều trị không? Em nghe nói là có thể điều trị bằng phương pháp bơm cồn, nhưng không biết khi nào thì áp dụng được, và nên đến bệnh viện nào để tiến hành.
Gs. Phạm Gia Khải cho biết:
Bệnh cơ tim phì đại thì có khoảng 30% có tính chất gia đình, tức là di truyền theo gen. Bệnh cơ tim phì đại đặc trưng bởi tình trạng có một bộ phận cơ tim to hơn bình thường, thường là vách liên thất, hoặc một bộ phận ở tâm thất. Khi xem trên kính hiển vi, bộ phận phì đại sẽ thấy các sợi cơ đan chéo nhau hỗn loạn, hoặc xuất hiện chấm chấm là những tế bào lympho. Nhiều trường hợp bị cơ tim phì đại kèm theo viêm cơ tim, tạo ra bệnh lý tương đối phức tạp. Bệnh cơ tim phì đại nói chung không nên hoạt động hoặc tập luyện gắng sức. Có nhiều cách điều trị cơ tim phì đại: cho đặt máy tạo nhịp, mổ và điều trị bằng cồn.
Rất có thể bạn bị dày vách liên thất, khiến máu ra khỏi tim khó, và đó là nguyên nhân gây đau ngực. Hiện tại, cần làm teo vách liên thất, người ta tiến hành bằng cách đưa ống thông vào động mạch vách liên thất là động mạch vành. Khi ống thông được đưa đến sau chỗ xuất phát của nhánh động mạch vành - nơi có vách liên thất dày, sẽ được bít lại bằng một quả bóng, sau đó bơm cồn vào chỗ bít. Cồn vào làm vách liên thất teo đi. Một thời gian sau khi bơm cồn, người bệnh sẽ cảm thấy hơi đau ngực, hoặc tạo nhồi máu cơ tim tại chỗ và diễn ra trong thời gian ngắn, không thể phát triển thêm được nữa, bởi đó không phải do xơ vữa động mạch. Một thời gian sau vách liên thất sẽ nhỏ lại.
Tốt nhất, bạn nên đến Bệnh viện Bạch Mai, nơi hay thực hiện phương pháp này và có nhiều kinh nghiệm là bác sĩ Phạm Mạnh Hùng, phó viện trưởng phụ trách.
Tôi cũng xin nói thêm, đốt bằng cồn nó chỉ là một phương pháp, thực ra còn nhiều phương pháp khác nữa, bác sỹ trực tiếp điều trị cho bạn hướng điều trị phù hợp.
Bạn có thể lắng nghe trực tiếp câu trả lời của Gs. Khải trong trường hợp của bạn Vận Tải Mai Phú tại video sau:
Gs.Khải tư vấn trường hợp bạn Vận Tải Mai Phú
Câu hỏi từ bạn Yen Dinh Duyen Hong: Xin hỏi, em khám tim mạch bác sĩ chẩn đoán là tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim, ngoại tâm thu thất nhịp 3, hở van tim 2 lá 2/4, VC=6.5mm, type IIA2, van dày là như thế nào ? Xin Giáo sư giải thích cho em rõ?
Gs. Phạm Gia Khải cho biết:
Trước mắt, tôi giải thích một số các chỉ số đã đưa ra:
- Bệnh nhân có ngoại tâm thu thất nhịp 3 tức là bình thường sẽ có 3 nhịp đập, thì có 1 nhịp bỏ.
- Hở van tim 2 lá 2/4 là mức độ hở trung bình chưa quá nghiêm trọng,
- Chỉ số VC = 6.5 mm tức là đường kính của van 2 lá là 6.5 mm,
- Type IIA2 tức là cái van lá trước A, đoạn 2. Van dày tức là van dày hơn bình thường, do thấp tim gây nên.
Sơ bộ về tình trạng bệnh của bạn, nặng nhất là tăng huyết áp. Nhưng đã có ngoại tâm thu thất rồi, đã có biến chứng rồi, lại van tim nữa. Vì vậy bạn cần chữa tăng huyết áp.
Câu 23 Lan Hoàng Thưa giáo sư em bị bệnh tim đến nay là 17 năm rồi. Năm 2001 cũng đã được giáo sư khám. Em đã chụp 2 lần mạch vành 2008 và 2011 cả 2 lần không thấy tắc nhưng siêu âm tim thì nói tim hở van 2 lá nhẹ. Em thường xuyên uống Vastarel 35mg ngày 2v/ 2 lần, 1-2 viên Nitromint, 2,6 mg và 1 viên Q10. Huyết áp tương đối ổn định trừ trường hợp stress hoặc quá mệt thì có lúc tới 170/ 90 mmHg. Em xin giáo sư cho em lời khuyên?
Trả lời:
Mạch vành không đáng sợ nhưng huyết áp thì đáng sợ. Huyết áp của bạn 170 mmHg, thỉnh thoảng bị stress, phải tập trung vào thuốc huyết áp, phải dùng thuốc liên tục, kéo dài, chỉ khi nào huyết áp dưới 100 mới cần xem xét để giảm liều hoặc đổi thuốc. Bạn cần ăn chế đồ mặn, tránh stress, căng thẳng bằng các bài tập thư giãn tâm lý.
Câu hỏi từ bạn Phạm Văn Sơn: Mẹ con bị suy tim giai đoạn 4, đang nằm điều trị tại bệnh viện đại học Y Dược, có dấu hiệu mệt, hay tụt huyết áp, không ho, bác sĩ nói sống được trung bình 7 tháng nếu điều trị tốt, giáo sư cho con biết hướng điều trị như thế nào, có cơ hội nào không?
Gs. Phạm Gia Khải cho biết:
Suy tim giai đoạn 4, hầu như đều bị gan to, tôi không dám đoán trước sống được bao nhiêu cả. Việc sống lâu hay không còn tùy thuộc từng người một. Nhưng người suy tim độ 4 là ở mức độ nặng, cần lưu ý: hạn chế ăn mặn, lợi tiểu, trợ tim, và bù lại kali thì có thể sống lâu được, chứ không chỉ sống dừng lại ở 7 tháng.
Câu hỏi từ bạn Hoahoa Đàm: Cháu 27 tuổi, suy tim, tăng áp động mạch phổi, thường xuyên bị phù. Xin bác sĩ tư vấn cho cháu hướng điều trị và cần phải tránh những gì ạ?
Gs. Phạm Gia Khải cho biết:
Tăng áp động mạch phổi vô căn đến giờ chưa giải quyết được và chưa rõ nguyên nhân nhưng thuốc làm giảm áp động mạch phổi vô căn thì có. Hiện nay, có 2 bác sỹ có thể chữa được bệnh này, đó là BS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc khoa Tim mạch của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và thứ hai là BS Phạm Mạnh Hùng.
Thuốc Iloprost có thể làm giảm áp lực động mạch phổi nhưng không làm giảm được mãi mãi, chỉ giảm được một thời gian. Đây là một loại thuốc của Đức tác dụng tốt, tuy nhiên giá hơi đắt. Nếu tăng áp động mạch phổi do nguyên nhân thứ phát như do thông liên nhĩ, thông liên thất thì chỉ cần điều trị nguyên nhân, còn nếu tăng áp động mạch phổi nguyên phát thì không có cách điều trị.
Để phòng tránh cần lưu ý những điều trị như một người suy tim, không được ăn mặn, không được làm việc nặng.
MỜI BẠN XEM TIẾP
Phần 2: Điều trị hẹp hở van tim, sau thay van tim – Tư vấn bởi Gs. Khải
Phần 3: Gs. Khải tư vấn điều trị suy tim do tăng huyết áp, bệnh van tim
Phần 4: Phòng và điều trị suy tim do thiếu máu cơ tim, bệnh mạch vành
Hoặc xem đầy đủ nội dung tư vấn TẠI ĐÂY