Ở trẻ, hệ thần kinh đang còn rất non nớt, nếu xem tivi trên 2h mỗi ngày sẽ ảnh hưởng tiêu cực lên sự phát triển của bé và tăng nguy cơ tăng huyết áp. Kết quả của một nghiên cứu được công bố mới đây vào tháng 2/2015 trên Tạp chí Tim mạch quốc tế cho biết: “Trẻ em xem tivi nhiều hơn 2h mỗi ngày sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp lên tới 30%”.
Nếu bạn nghĩ rằng huyết áp cao chỉ ảnh hưởng đến người lớn thì điều đó là hoàn toàn sai lầm. Trên thực tế, huyết áp cao có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, trong đó có trẻ em. Những yếu tố nguy cơ cao dẫn đến tăng huyết áp ở trẻ em chính là béo phì và lối sống ít vận động. Do trẻ dành quá nhiều thời gian mỗi ngày để ngồi một chỗ, đọc truyện, xem tivi, chơi điện tử hay sử dụng inteet…
Huyết áp là áp lực của dòng máu lên thành động mạch. Khi huyết áp tăng cao có thể làm tổn thương đến nhiều cơ quan quan trọng trong cơ thể, dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như đột quỵ, suy tim, suy thận, bệnh võng mạc mắt,…
Ở người trưởng thành (trên 18 tuổi), huyết áp được xem là cao khi lớn hơn 140/90 mmHg. Nhưng ở trẻ em, việc đánh giá con số này thường phức tạp hơn, bác sĩ sẽ phải dựa trên giới tính, chiều cao và chỉ số huyết áp của trẻ để xác định xem trẻ có bị cao huyết áp hay không.
Kết quả nghiên cứu của Đại học Sao Paulo, Brazil cho thấy: Trẻ em trong độ tuổi từ 2 đến 10 tuổi, dành thời gian xem tivi nhiều hơn 2 tiếng mỗi ngày, sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp lên tới 30%. Ở những trẻ thiếu hoạt động thể chất, nguy cơ này sẽ tăng lên đến 50%. Nghiên cứu được tiến hành dựa trên việc phân tích dữ liệu của 5.221 trẻ em từ tám nước châu Âu, được thu thập trong hơn hai năm.
Trẻ xem tivi nhiều tăng nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp
Tiến sĩ Augusto Cesar de Moraes, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết: "Nghiên cứu này đã khẳng định mối liên hệ mật thiết giữa bệnh cao huyết áp và lối sống ít vận động ở trẻ em”. Uớc tính hiện nay có tới hơn 60% trẻ mới biết đi và trẻ sơ sinh dành khoảng 2 giờ mỗi ngày trước tivi hoặc màn hình máy tính. Số giờ này tăng lên gấp đôi khi trẻ được 4 tuổi.
Xem tivi nhiều mỗi ngày không chỉ làm tăng nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp, mà còn có rất nhiều tác động xấu lên sức khỏe toàn diện của trẻ như: thiếu ngủ, béo phì, suy giảm khả năng tập trung, làm chậm sự phát triển của hệ thần kinh, suy giảm thị lực, nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường, hen suyễn, đồng thời làm gia tăng các hành vi tiêu cực và giảm sự tương tác với xã hội của trẻ. Nhiều nghiên cứu cho thấy, cứ mỗi tiếng trẻ ngồi trước màn hình nhỏ sẽ làm tăng 18% nguy cơ mắc bệnh tim mạch, 11% nguy cơ mắc bệnh ung thư và 9% nguy cơ mắc các bệnh tật khác.
Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ khuyến cáo, trẻ em trên 2 tuổi không nên xem tivi quá 2 tiếng mỗi ngày. Còn những trẻ dưới 2 tuổi thì không nên xem tivi, bởi ở độ tuổi này hệ thần kinh đang còn rất non nớt và việc xem tivi sẽ có nhiều ảnh hưởng tiêu cực lên sự phát triển của bé.
Đối với những trẻ đang có thói quen ngồi xem tivi nhiều giờ mỗi ngày, thì cha mẹ cần phải có biện pháp để trẻ cai từ từ, bởi việc đột ngột ngăn cấm có thể khiến trẻ bị hụt hẫng hay stress. Điều này nên được thực hiện bằng cách rút ngắn thời gian xem mỗi ngày hoặc cho trẻ xem như một phần thưởng mỗi khi trẻ làm được việc tốt. Đồng thời, nên khuyến khích trẻ tích cực tham gia vào các hoạt động thể chất hay các hoạt động gắn kết với xã hội, môi trường để trẻ giảm bớt thời gian ngồi trước tivi.
Trẻ cần tăng cường hoạt động thể chất để phòng tránh bệnh tim mạch
Ngoài ra, chỉ nên để trẻ xem những chương trình yêu thích, phù hợp với lứa tuổi như ca nhạc thiếu nhi, kể chuyện hay những bộ phim hoạt hình đơn giản có tính giáo dục cao,… Thời gian xem không nên quá 30 phút mỗi lần và quá 2 tiếng mỗi ngày. Khi có điều kiện, cha mẹ cũng nên ngồi xem cùng trẻ để trao đổi, trò chuyện, giúp trẻ có nhận thức lành mạnh hơn.
Khi trẻ xem quá giới hạn cho phép, cha mẹ cần phải nghiêm khắc và yêu cầu trẻ thực hiện mệnh lệnh của mình một cách nhẹ nhàng. Ví dụ: “Đã đến giờ đi ngủ, con không được xem ti vi nữa!” hoặc “Đã quá thời gian quy định, con xem như vậy là đủ rồi!”. Cha mẹ cũng có thể đưa ra một số hình phạt cụ thể, nếu bé vi phạm ở các lần sau.
Các bậc cha mẹ hãy luôn cố gắng để quản lý tốt thời gian xem tivi của trẻ, giúp đảm bảo cho trẻ có sự phát triển tốt nhất về cả thể chất lẫn tinh thần.
Nguồn: http://www.sciencedaily.com/