Bệnh động mạch vành

A- A+

Tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, hút thuốc lá, béo phì, đái tháo đường… là những yếu tố nguy cơ phát triển bệnh động mạch vành, dẫn đến các cơn đau thắt ngực

Bệnh mạch vành là một bệnh rất thường gặp trong số các bệnh tim mạch ở các nước phát triển. Theo nhiều chuyên gia dự đoán hiện có khoảng 13 triệu người Mỹ và 20 triệu người châu Âu mắc bệnh này. Hiện nay, ở Việt Nam có khoảng 9% bệnh nhân nội trú tại Viện Tim mạch Việt Nam, Bệnh viện Bạch Mai mắc bệnh động mạch vành, trong khi vào những năm 80 của thế kỷ 20, tỷ lệ đó chỉ xấp xỉ 1%. Điều tra dịch tễ học về tăng huyết áp và bệnh mạch vành tại thành phố Hồ Chí Minh năm 2003 cho thấy, riêng tỷ lệ bệnh động mạch vành của phụ nữ tuổi mãn kinh là 2,4% cho thấy tốc độ phát triển nhanh chóng của bệnh này tại nước ta.

Định nghĩa bệnh mạch vành.

Động mạch vành là tên gọi của các động mạch dẫn máu đến nuôi tim, đảm bảo cho tim có thể hoàn thành chức năng của nó.

Bệnh mạch vành hay còn được viết đến dưới nhiều thuật ngữ khác như: suy động mạch vành, thiếu máu cơ tim, thiểu năng vành, bệnh tim thiếu máu cục bộ là tình trạng hẹp hay tắc nghẽn lòng động mạch dẫn đến thiếu máu đi nuôi tim với triệu chứng điển hình nhất là đau thắt ngực.

xo-vua-dong-mach-vanh

Nguyên nhân mắc bệnh và ai là người có nguy cơ cao

Nguyên nhân thường gặp ở bệnh mạch vành là do sự hình thành của các mảng xơ vữa trong lòng mạch - một tiến trình chậm chạp kéo dài với sự lắng đọng từ từ của Lipid trong thành động mạch, làm cho thành động mạch ngày càng dày lên, cứng lại và mất tính đàn hồi. Mảng xơ vữa gây các phản ứng viêm, có thể lớn dần lên gây chít hẹp lòng mạch và vỡ ra dễ dẫn đến hình thành cục máu đông gây nhiều biến chứng nguy hiểm như: nhồi máu cơ tim, nhồi máu não. Ngoài ra một số trường hợp mạch vành bị co thắt gây hẹp mạch vành từng lúc cũng có thể gây ra triệu chứng đau thắt ngực do thiếu máu cơ tim.

Hiện nay, khi nói đến nguyên nhân của bệnh động mạch vành người ta dùng đến khái niệm yếu tố nguy cơ (YTNC) của bệnh động mạch vành. Phát hiện và hạn chế những yếu tố này sớm có thể giúp người bệnh giảm được nguy cơ mắc phải các bệnh lý nguy hiểm về mạch vành. Yếu tố nguy cơ gồm những yếu tố như: tăng huyết áp, rối loạn lipid máu (LDL cao, HDL thấp, Triglyceride cao), hút thuốc lá, béo phì, đái tháo đường, gia đình có người bị bệnh động mạch vành sớm (trước 55 tuổi), tuổi cao… Béo phì, ít hoạt động thể lực và stress cũng đóng một vai trò quan trọng trong sự tiến triển của xơ vữa động mạch. Nguy cơ mắc bệnh mạch vành tăng theo tuổi và cao hơn ở nam giới, ở nữ nguy cơ này gia tăng đáng kể ở độ tuổi 5 đến 10 năm sau mãn kinh. Có một lối sống lành mạnh, điều trị thuốc hoặc kết hợp cả hai biện pháp có thể giúp điều chỉnh được các yếu tố nguy cơ để dự phòng các bệnh lý mạch vành.

Xem thêm: Vai trò của thảo dược Đan sâm với bệnh mạch vành 

Triệu chứng và biến chứng của động mạch vành

Người bị bệnh động mạch vành có thể biểu hiện ở nhiều mức độ. Có thể người mắc bệnh mạch vành hoàn toàn không có triệu chứng gì cả, chỉ tình cờ phát hiện khi đo điện tâm đồ (ECG).

Đau thắt ngực - dấu hiệu của bệnh động mạch vành

Đau thắt ngực - dấu hiệu của bệnh động mạch vành

Tuy nhiên triệu chứng thường thấy nhất là những cơn đau thắt ngực. Cơn đau thắt ngực điển hình kiểu mạch vành được mô tả với các đặc điểm như sau: cảm giác đau thắt, bóp nghẹt, xiết chặt, cũng có thể là cảm giác bỏng rát, kim châm; đau sâu phía sau xương ức, chính giữa tim, hoặc ngực trái, đôi khi đau ở vùng thượng vị dễ làm lầm tưởng là đau dạ dày. Đau ngực có thể không lan, có thể lan xuyên lồng ngực ra phía sau giữa 2 xương bả vai, hoặc lan từ ngực lên hàm, lan lên vai, dọc theo mặt trong cánh tay trái tới ngón út; có thể chỉ thoáng qua vài giây, có thể vài phút, hoặc kéo dài vài chục phút; cơn đau xuất hiện sau gắng sức thể lực hoặc xúc động (ví dụ như đi bộ đường dài, leo cầu thang, khiêng đồ nặng, ăn no, chơi thể thao, giao hợp…) nhưng giảm khi nghỉ ngơi hoặc ngậm thuốc Nitroglycerin dưới lưỡi.

Tuy nhiên trên thực tế không phải lúc nào cũng có đủ những triệu chứng điển hình như vậy mà tùy từng trường hợp sẽ có các dạng biểu hiện khác nhau: Cơn đau thắt ngực điển hình, cơn đau thắt ngực không điển hình, nặng nhất là nhồi máu cơ tim hoặc thậm chí là không có triệu chứng đau ngực (thiếu máu cơ tim im lặng).

Biến chứng thường gặp và nguy hiểm nhất của bệnh mạch vành là nhồi máu cơ tim và đột tử. Các biến cố này thường do sự hình thành cục máu đông làm lấp tắc động mạch vành đã bị hẹp từ trước do mảng xơ vữa ở thành động mạch vành. Các biến chứng khác bao gồm rối loạn nhịp tim và suy tim.

Các phương pháp điều trị động mạch vành

Hiện nay có 3 phương pháp điều trị bệnh động mạch vành:

Điều trị nội khoa (dùng thuốc): Phương pháp này chủ yếu điều trị các yếu tố nguy cơ của bệnh động mạch vành để phòng ngừa bệnh không tiến triển nặng thêm. Các yếu tố nguy cơ đó là tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, đái tháo đường, hút thuốc lá, béo phì… Đồng thời điều trị phòng ngừa nhồi máu cơ tim cấp bằng cách dùng các loại thuốc chống kết tập tiểu cầu để phòng ngừa đông máu gây tắc mạch vành: Aspirin, Clopidogrel… Các bác sĩ cũng rất chú ý tới điều trị chống đau thắt ngực bằng các loại thuốc giãn mạch như  ISDN, risordan, nitromint; một thuốc chẹn beta giúp giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim như: atenolol, metoprolol, bisoprolol… (nhưng tránh dùng ở những người có nhịp tim chậm < 60 lần/phút, hen phế quản…).

Điều trị can thiệp: Nong rộng lòng động mạch, đặt stent trong lòng động mạch vành. Phương pháp này dùng cho các trường hợp đau ngực do thiếu máu cơ tim mà ít hoặc không đáp ứng với thuốc điều trị nội khoa; các trường hợp bị đau thắt ngực không ổn định hoặc nhồi máu cơ tim cấp.

Điều trị phẫu thuật bắc cầu động mạch: Phương pháp này dùng cho các trường hợp động mạch vành bị tổn thương nhiều chỗ, tổn thương kéo dài, các trường hợp mà can thiệp nong rộng lòng động mạch vành không thể thực hiện được. Đây là một cuộc phẫu thuật lớn và phức tạp, dùng các mạch máu khác của chính bản thân bệnh nhân để làm cầu nối qua chỗ động mạch vành bị hẹp.

Bệnh động mạch vành được gọi là “sát thủ lớn nhất của sức khỏe loài người” . Song song với sự phát triển của đời sống, tỷ lệ phát triển bệnh động mạch vành cũng ngày càng tăng lên, đồng thời xuất hiện xu hướng trẻ hóa. Để ngăn ngừa bệnh động mạch vành, ngoài dự phòng tốt những yếu tố nguy cơ, chúng ta nên có một lối sống lành mạnh, không sử dụng chất kích thích, thường xuyên luyện tập và thăm khám bác sĩ để có những phát hiện sớm và điều trị bệnh kịp thời.

Xem thêm: 

Người bệnh chia sẻ kinh nghiệm điều trị suy tim

Kết quả nghiên cứu Ích Tâm Khang làm giảm cholesterol, chống xơ vữa