Chi phí đặt stent graft trong điều trị phình động mạch chủ

A- A+

Chi phí đặt stent graft là bao nhiêu và khi nào cần phải đặt loại stent này? Đây là mối quan tâm của tất cả người bệnh bị phình tách động mạch chủ, bởi tổng số tiền chi cho một ca thủ thuật này khá lớn và không phải ai cũng có điều kiện để thực hiện.

Câu hỏi: Tôi bị phình động mạch chủ đường kính 4cm, gần đây tôi hay cảm thấy đau ở vùng bụng và lưng, cảm giác có mạch đập gần rốn như nhịp tim Tôi bị tăng huyết áp 10 năm nay và vẫn đang điều trị ổn định. Vậy xin hỏi tôi có phải đặt stent graft không và chi phí đặt stent graft là bao nhiêu?

Trả lời:

Chào bạn.

Động mạch chủ là mạch máu lớn nhất của cơ thể, xuất phát từ tim sau đó chia các nhánh đem máu chứa oxy đi nuôi tất cả các cơ quan, bộ phận của cơ thể. Phình động mạch chủ xảy ra khi một đoạn của động mạch này bị suy yếu dẫn đến giãn (phình ra) với kích thước lớn hơn 50% đường kính bình thường. Đặt stent graft là phương pháp điều trị mới, được đánh giá khá an toàn, hiệu quả và ít gây ảnh hưởng đến người bệnh hơn phương pháp mổ hở. Dưới đây tôi sẽ cung cấp những thông tin cần thiết giúp giải đáp thắc mắc cho bạn.

Stent graft là gì và khi nào cần đặt stent graft?

Stent graft là một giá đỡ làm bằng kim loại đặc biệt có phủ màng sợi tổng hợp sử dụng để đặt vào vị trí động mạch chủ bị phình nhằm mục đích tránh cho nó bị vỡ và điều chỉnh dòng máu chảy bên trong một cách bình thường.

Để đặt được stent graft vào đúng vị trí, các bác sĩ sẽ phải sử dụng một ống thông mang stent được đưa vào từ động mạch đùi, sau đó đưa dần tới đoạn động mạch chủ bị phình. Tại vị trí này, ống thông sẽ giải phóng stent graft (stent graft được mở ra với đúng kích thước thực).

Đối với người bệnh phình động mạch chủ, stent graft sẽ được bác sĩ chỉ định khi có nguy cơ bị vỡ động mạch chủ cao, cụ thể là khi túi phình có đường kính trên 5 cm hoặc  kích thước của túi mỗi năm tăng hơn 0,5 cm. Như vậy, hiện nay với trường hợp của bạn phương pháp điều trị nội khoa (dùng thuốc) vẫn là lựa chọn được ưu tiên.  Đặc biệt, bạn bị cao huyết áp và vẫn đang đang được kiểm soát tốt bằng thuốc thì cần tiếp tục duy trì

Có thể bạn sẽ có đôi chút lo lắng do gặp phải các dấu hiệu bị đau ở bụng, ngực, có cảm giác mạch đập ở bụng… tuy nhiên, đây là các triệu chứng phổ biến ở những người bị phình động mạch chủ bụng. Điều quan trọng nhất là bạn cần thăm khám để theo dõi kích vị trí động mạch định kỳ để đánh giá các yếu tố nguy cơ.

Stent graft là phương pháp khó thực hiện và mất nhiều chi phí

Stent graft là phương pháp khó thực hiện và mất nhiều chi phí

Tổng chi phí đặt stent graft là bao nhiêu

Giá thành cho một lần đặt stent graft  phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: số lượng stent (đặt 1 hay 2 chiếc), các loại stent (các nhà sản xuất khác nhau sẽ có các loại stent khác nhau), chi phí thuốc men, xét nghiệm… và đặt stent graft giá bao nhiêu cũng có sự chênh lệch đôi chút giữa các bệnh viện công hay bệnh viện tư. Nói chung, bệnh nhân cần chuẩn bị 300-500 triệu đồng và trước khi làm thủ thuật sẽ được bác sĩ chuyên khoa tư vấn chính xác nhất. Người bệnh có thể điều trị phình tách động mạch chủ ngay tại các bệnh viện lớn trong nước với chi phí chỉ bằng 1/3 so với ở nước ngoài (khoảng 30.000 – 50.000 USD) mà không cần phải di chuyển xa làm tăng nguy cơ tử vong.

Đặt stent graft có được hưởng bảo hiểm y tế không?

Trước đây chi phí phẫu thuật stent graft không được BHYT hỗ trợ, bởi đây là phương pháp mới, tân tiến. Tuy nhiên, kể từ ngày 01/6/2017 theo thông tư 04/2017/TT-BYT, khoản chi phí này đã được nằm trong danh mục BHYT với mức chi trả cụ thể:

  • 260.000.000 đồng với loại stent graft động mạch chủ ngực
  • 280.000.000 đồng với loại stent graft động mạch chủ bụng

Tuy nhiên mức chi phí này có thể sẽ bị thay đổi ở từng bệnh viện và tùy từng loại stent graft. Do vậy nếu đã có chỉ định đặt, bạn nên tham khảo cụ thể chi phí đặt stent mạch vành ở các bệnh viện lớn trong cả nước.

Ưu điểm của phương pháp đặt stent graft so với phương pháp mổ hở

Dù chi phí rất cao so với thu nhập bình quân của người Việt, nhưng can thiệp đặt stent graft qua da vẫn là lựa chọn hàng đầu trong điều trị phình tắc động mạch chủ bởi những lợi ích vượt trội so với phương pháp truyền thống là mổ phanh lồng ngực để cắt bỏ túi phình sau đó thay đoạn mạch bằng ống thép nhân tạo. Thủ thuật đặt stent graft ít ảnh hưởng tới sức khỏe người bệnh, giảm thời gian nằm viện, giảm nguy cơ tai biến (xuất huyết, nhiễm trùng, tử vong khi phẫu thuật), người bệnh nhanh hồi phục, phù hợp với bệnh nhân cao tuổi, thể trạng yếu và có bệnh mắc kèm.

Xem thêm: Lợi ích đặt stent mạch vành và rủi ro đặt stent mạch vành

Vậy với trường hợp của bạn, việc quan trọng nhất ở thời điểm hiện tại là phải kiểm soát thất tốt huyết áp để không làm tăng thêm kích thước cũng như rủi ro từ túi phình. Đồng thời, bạn cần theo dõi thêm, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật khi cần thiết. Tuy nhiên bạn nên chuẩn bị trước chi phí đặt stent graft để sẵn sàng thực hiện thủ thuật nếu động mạch chủ tiếp tục phình to nhanh chóng.

Xem thêm: 

- Điều trị sau đặt stent mạch vành

- Chăm sóc bệnh nhân sau đặt stent mạch vành

Chúc bạn sức khỏe!

Thân ái.

https://www.unmc.edu/surgery/divisions/gensurg/vascular/patient-care/procedures/endovascular-stent.html

https://www.slideshare.net/vinhvd12/phng-ng-mch-ch-pgsc

http://www.luatsumaithikimsa.com/kien-thuc-phap-luat/chi-tiet-tin-tuc/danh-muc-vat-tu-y-te-duoc-bhyt-thanh-toan-them-tu-01-6-2017.html