Ngoại tâm thu là một dạng rối loạn nhịp tim thường gặp nhất, có thể xuất hiện ở người bình thường không gây nguy hiểm, nhưng gặp ở người bệnh tim mạch làm tăng nguy cơ đột tử.
Bình thường, trái tim của chúng ta đập đều đặn khoảng 60 - 80 lần trong một phút. Ngoại tâm thu là hiện tượng khởi phát của những nhịp đập bất thường, làm phá vỡ nhịp điệu bình thường của tim, cụ thể nhát tim đập “sớm” quá, lúc chưa “được phép” đập đã đập; sau nhát đập sớm này, tim “nghỉ bù” một lát để lấy lại sức trước khi đập nhát tiếp theo.
Ngoại tâm thu có thể gặp cả ở những người có bệnh tim, lẫn người hoàn toàn khỏe mạnh bình thường.
Ở người bình thường, bất kể ai cũng có thể gặp hiện tượng ngoại tâm thu ít nhất một lần trong đời. Điều này cũng dễ hiểu vì từ lúc còn là bào thai mới được 3 tháng tuổi, cho đến lúc mất, trái tim của chúng ta đập liên tục, không mệt mỏi, mỗi phút đập từ hơn 60 lần, tổng số tới 2 - 3 tỷ nhịp đập trong một cuộc đời 60 năm, vậy làm sao tránh khỏi có một nhịp đập sai. Và những yếu tố tác động dẫn đến hiện tượng này là gì? Đó là tình trạng căng thẳng, stress, lo lắng; sử dụng các chất kích thích như cà phê, rượu, chè, thuốc lá, ma túy hay một số thuốc điều trị… nhiều người có thể xuất hiện ngoại tâm thu trước kỳ kinh nguyệt hoặc trong giai đoạn mang thai.
Ở những người mắc bệnh tim mạch, ngoại tâm thu thường xuất hiện trong các trường hợp có bệnh tim nặng như: viêm cơ tim, nhồi máu cơ tim, bệnh van tim, bệnh tim bẩm sinh, suy tim…
Ngoài ra, ngoại tâm thu cũng có thể xuất hiện hoặc trên nền của những bệnh lý khác như thiếu máu, cường giáp (bệnh Basedow), thiếu kali trong máu...
Tình trạng “nhịp đập, nhịp bỏ” khiến người bệnh có cảm giác hẫng hụt. Nhiều người cảm thấy rất rõ khi tim đang đập đều bỗng nhiên "hẫng" một nhát, giống như người bị vấp hay bước hụt. Sau nhát hẫng đó, tim như ngưng lại một chút, tiếp đó đập một nhát mạnh hơn, rồi lại mới tiếp tục đập như bình thường. Một trường hợp ngoại tâm thu điển hình là người bệnh thấy có các cảm giác theo thứ tự: hẫng hụt, ngừng đập, rồi đập mạnh.
Cá biệt có một số ít trường hợp thấy căng, tức ở cổ trong nhát ngoại tâm thu, do máu bị dồn ngược từ tim lên.
Nếu ngoại tâm thu xuất hiện nhiều và liên tiếp, người bệnh có thể thấy hồi hộp, trống ngực, thậm chí khó thở, mệt mỏi...
Ngoại tâm thu có ý nghĩa quan trọng như là một dấu hiệu cảnh báo quả tim của bạn đang có vấn đề. Để khẳng định được bệnh có thực sự nghiêm trọng hay không, nặng hay nhẹ, thì chỉ có bác sĩ mới trả lời được, thông qua những xét nghiệm và thăm khám lâm sàng.
Có những trường hợp rất nhẹ, hầu như không ảnh hưởng gì đến sức khỏe, đó là khi ngoại tâm thu ít, thưa, xuất hiện ở người trẻ tuổi, khám không có bệnh tim gì khác. Khi đó người bệnh thường không cần phải điều trị, chỉ cần bỏ thuốc lá và rượu, sống điều độ, tránh những cảm xúc mạnh, nếu cần có thể phải giảm bớt lao động cả trí óc lẫn chân tay,…
Có những trường hợp bệnh nặng hơn, ngoại tâm thu xuất hiện dày, kèm theo cảm giác khó thở, mệt mỏi, trống ngực... Khi đó, người bệnh cần phải được điều trị và sử dụng thuốc. Trường hợp này, bệnh có thể tiến triển nặng dần, làm giảm hiệu quả bơm máu của tim, khiến tim phải làm việc nhiều hơn bình thường và lâu ngày có thể dẫn đến suy tim.
Ngoại tâm thu xuất hiện trên nền các bệnh tim mạch làm tăng nguy cơ đột tử
Cuối cùng, là trường hợp ngoại tâm thu xuất hiện trên "nền" của những bệnh tim khác. Khi đó, ngoại tâm thu có thể nguy hiểm hơn và thường liên quan chặt chẽ đến khả năng làm tăng nguy cơ đột tử. Lúc này, cần phải tập trung chữa các bệnh lý chính, chữa ngoại tâm thu chỉ là một phần trong điều trị.
Do vậy, khi thấy xuất hiện ngoại tâm thu, bạn đừng nên quá hoang mang, tốt nhất nên sớm đến gặp bác sĩ để được thăm khám và xác định chính xác tình trạng bệnh. Qua đó bác sĩ sẽ cho bạn những lời khuyên về chế độ sinh hoạt và điều trị phù hợp nhất.
Xem thêm:
Chế độ ăn cho người bệnh suy tim